Su-35S Nga chạm mặt F-35 Mỹ trên bầu trời Alaska

Một video mới xuất hiện ghi lại cảnh tiêm kích Su-35 của Nga áp sát máy bay F-35A của Mỹ, đóng tại Alaska. Trong video cũng thấy sự hiện diện của một máy bay ném bom Tu-95 Nga.

Đoạn video từ kênh Telegram Fighterbomber (Nga) cho thấy, máy bay Mỹ vẫn giữ khoảng cách an toàn, nhưng Fighterbomber cảnh báo: ở tốc độ cao như vậy, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến va chạm thảm khốc, điều rất nguy hiểm khi xảy ra trên vùng Bắc Cực băng giá.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 (bên trái),1 chiếc Su-35 (góc nhìn từ buồng lái), 1 chiếc F-35 thuộc Không đoàn tiêm kích số 354 của Mỹ (bên phải). (Nguồn: Telegram/Fighter_bomber)

Sự việc diễn ra trong vùng nhận dạng phòng không Alaska (ADIZ), một vùng đệm mở rộng ngoài không phận Mỹ, nơi Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) thường xuyên giám sát máy bay quân sự nước ngoài. Trong hai ngày 18–19/2, NORAD xác nhận đã theo dõi 2 máy bay Tu-95 Nga cùng 2 chiếc Su-35S có vũ trang.

Việc máy bay Nga bay sát ADIZ không phải hiếm, nhưng tần suất và cường độ đang tăng lên trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine kéo dài, quan hệ Nga–Mỹ leo thang và NATO mở rộng hiện diện ở Đông Âu.

Tu-95, biệt danh "Gấu bay", là máy bay ném bom chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh, hoạt động từ năm 1956. Tuy đã cũ, phiên bản Tu-95MS đã được nâng cấp hệ thống điện tử hiện đại, có thể bay hơn tầm bay 15.000 km và mang theo tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân. Trong các chuyến bay gần Alaska, Tu-95 vừa thu thập thông tin tình báo vừa đóng vai trò "nhắc nhở" về năng lực vươn xa toàn cầu của Nga.

Su-35S – chiếc tiêm kích hộ tống Tu-95, là chiến đấu cơ hiện đại của Nga. Với hai động cơ mạnh mẽ, hệ thống radar Irbis-E tầm xa, cảm biến hồng ngoại và khả năng siêu cơ động, Su-35S đặc biệt nguy hiểm trong các trận không chiến tầm gần. Nó có thể mang theo 12 tên lửa không đối không và nhiều loại vũ khí khác với tổng tải trọng gần 18.000 pound.

F-35A Lightning II là sản phẩm công nghệ cao của Mỹ, nhấn mạnh khả năng tàng hình và tác chiến mạng trung tâm. Với thiết kế khó bị radar phát hiện, hệ thống cảm biến tích hợp hiển thị ngay trên mũ phi công, F-35A không cần lao vào không chiến gần mà có thể phát hiện, theo dõi và tác chiến từ xa.

Trong lần chạm mặt này, F-35A đã giữ khoảng cách an toàn, đúng với chiến lược "giảm leo thang" mà NORAD theo đuổi. Điều này trái ngược với sự cố tháng 9/2024 khi một Su-35 của Nga áp sát nguy hiểm F-16 của Mỹ, khiến NORAD lên án là "thiếu chuyên nghiệp".

Bình luận từ Fighterbomber nhấn mạnh, trong trường hợp va chạm, phi công có thể phải phóng ra trên "đại dương lạnh giá hoặc vùng băng vô tận", nơi tỷ lệ được cứu chỉ khoảng 50%, áp lực tâm lý với các phi công là rất lớn.

Cuộc chạm trán này không phải là đơn lẻ. Ngày 31/1, NORAD và CF-18 Canada cũng đã chặn máy bay Nga gần Bắc Cực. Khi băng tan mở ra các tuyến hàng hải và tài nguyên mới, Bắc Cực đang trở thành vùng cạnh tranh chiến lược.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-35s-nga-cham-mat-f-35-my-tren-bau-troi-alaska-169250405100112793.htm
Zalo