Steve Witkoff - chuyên gia gỡ rối của Tổng thống Donald Trump
Là phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông, ông Steve Witkoff đã phải vất vả để có được các lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Gần đây, người ta thấy ông xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc nói chuyện về hòa bình Ukraine, đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Từ doanh nhân bất động sản đến “chuyên gia gỡ rối”
Ông được Tổng thống Donald Trump lựa chọn làm phái viên đặc biệt về Trung Đông, cũng đã tìm được cách tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga về tương lai của Ukraine, ngồi đối diện với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, thay vì đặc phái viên chính thức của khu vực Keith Kellogg.

Ông Steve Witkoff và Tổng thống Donald Trump.
Về mặt kỹ thuật, ông Witkoff được xem là thuộc cấp của Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, nhưng cả thế giới đều biết rằng, trong bộ sậu của ông Donald Trump, quyền lực chảy qua mối quan hệ cá nhân với tổng thống. Ông Witkoff và Tổng thống Donald Trump đã có mối quan hệ gần 40 năm.
Đó là điều mang lại cho doanh nhân 67 tuổi này sức ảnh hưởng lớn trong chính quyền. Những đối tác của Mỹ đều biết rằng ông là sứ giả vui tính.
Ông Witkoff đã chứng minh được ảnh hưởng của mình trong việc đưa lệnh ngừng bắn tại Gaza đi vào thực tế. Vào ngày 10/1, ông tin rằng một bước đột phá đã gần kề, sau hơn 7 tháng đàm phán quanh co, không có kết quả. Tối hôm đó, ông gọi điện đến văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ Doha, nơi ông đã gặp các quan chức Arab và nói với các trợ lý của ông Netanyahu rằng ông sẽ bay đến Israel vào ngày hôm sau.
Các trợ lý giải thích rằng hôm đó là thứ Bảy và ông Netanyahu không làm việc vào ngày Sa-bát, nhưng sẽ vui vẻ gặp phái viên Mỹ sau đó vài giờ, khi màn đêm buông xuống. Ông Witkoff không chấp nhận điều đó và ông nói với họ rằng ông không quan tâm đến Shabbat.
Thế là nhà lãnh đạo Israel phải từ bỏ việc tuân thủ ngày Sa-bát của mình và tiếp ông Witkoff tại văn phòng làm việc, nơi phái viên Mỹ bảo ông phải đồng ý với lệnh ngừng bắn mà ông đã trốn tránh quá lâu. Ông Netanyahu ngay lập tức nhượng bộ. Thủ tướng Israel biết rằng phái viên Mỹ đang nói thay cho Tổng thống Donald Trump, người mà ông không dám làm phật ý.
Mối quan hệ tin tưởng giữa hai ông Trump và Witkoff bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ tình cờ và một chiếc bánh sandwich giăm bông và phô mai trong một cửa hàng bán đồ ăn nhẹ ở New York gần 4 thập niên trước.
Ông Witkoff sinh ra ở Bronx và lớn lên ở Long Island, là con trai của một nhà sản xuất áo khoác dành cho phụ nữ. Ông đủ điều kiện làm luật sư và đã làm việc trong một thỏa thuận bất động sản kéo dài suốt đêm vào năm 1986 có liên quan đến ông Trump. Ông Witkoff đã đến cửa hàng bán đồ ăn nhẹ lúc 3 giờ sáng để mua thức ăn cho nhóm của mình và ông Trump cũng ở đó, đói nhưng không có tiền mặt trong túi. "Tôi đã gọi cho anh ta một chiếc giăm bông và phô mai Thụy Sĩ", ông Witkoff nói. Và, tình bạn đã nảy nở từ chiếc bánh giăm bông.

Ông Steve Witkoff trong cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Saudi Arabia.
Ông Witkoff tốt nghiệp luật bất động sản và được ông Donald Trump thuyết phục trở thành một nhà phát triển bất động sản. Cả hai người đều di chuyển giữa New York và Florida, chơi golf cùng nhau rất nhiều. Ông Witkoff đã ở cùng ông Trump trên sân golf West Palm Beach của ông Trump vào tháng 9 năm ngoái, khi một kẻ tình nghi ám sát bị bắt khi đang cầm súng bắn tỉa.
Lịch sử mối quan hệ lâu dài của họ đã truyền cho ông Witkoff lòng trung thành cá nhân mãnh liệt, và đổi lại, ông được Tổng thống Donald Trump đối xử gần như người trong gia đình. Đây là tình bạn có từ trước khi ông Trump theo chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc giáo và cực hữu, vì vậy ông Witkoff không mang cùng một gánh nặng tư tưởng vào hoạt động ngoại giao của mình như những người khác. Lòng trung thành của ông là với cá nhân ông Trump, không phải với Maga (phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”).
Cách cư xử hầu hết là dễ chịu và lịch sự của ông cũng nổi bật trong đám đông xung quanh ông Trump. Don Peebles, một nhà phát triển bất động sản khác biết rõ cả hai người, nói với tờ Wall Street Journal rằng ông Witkoff "không phải là kiểu nhà đàm phán muốn thấy máu đổ trên sàn trước khi hoàn thành thỏa thuận".
Sau khi cuộc đua sơ bộ kết thúc vào năm ngoái, ông Donald Trump đã cử ông Witkoff đi làm hòa với các đối thủ Cộng hòa bị mình đánh bại. Và, ông Witkoff đã làm việc về lệnh ngừng bắn ở Gaza với người đồng cấp trong chính quyền ông Biden, Brett McGurk, trong quá trình chuyển giao, một ví dụ hiếm hoi về sự hợp tác lưỡng đảng.
Tại hội nghị từ thiện ở Riyadh, ông Witkoff cho biết chính những mối liên hệ của ông với Hoàng gia Saudi đã khiến ông tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga. Ông giải thích rằng, chính người Saudi đã “lên kế hoạch” thả một tù nhân người Mỹ do Moscow giam giữ, thông qua các mối liên hệ của họ với Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia của Nga.
Việc thả Fogel vào ngày 12/2 đã mang lại cho ông Trump một chiến thắng PR và đảm bảo một cuộc gọi điện thoại giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cùng ngày, bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về Ukraine.
Ông Witkoff đã củng cố vị thế của mình trong tâm trí Tổng thống Donald Trump như một người làm việc hiệu quả, dẫn đến vai trò hiện tại của ông là người giải quyết vấn đề chính của Mỹ. Tuy nhiên, hòa bình lâu dài ở Ukraine và Trung Đông cuối cùng sẽ xoay quanh các vấn đề về công lý và chủ quyền quốc gia, những điều khoản khó khăn đang chờ ông Witkoff phía trước.
Những khó khăn còn ở phía trước
Ông Donald Trump đang đối mặt với những “phép thử liều cao” ở Ukraine, Gaza và Iran.
Mục tiêu của Mỹ là tách biệt hoàn toàn 3 cuộc đàm phán đồng thời. Cách tiếp cận này tương tự như các cuộc đàm phán thương mại. Chính quyền Mỹ có thể cảm thấy họ không có nhiều lựa chọn vì tình hình cấp bách, nhưng liệu có khôn ngoan khi tiến hành 3 sứ mệnh hòa bình đầy tham vọng như vậy và một cuộc chiến thương mại toàn cầu cùng một lúc hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Ông Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi.
Đúng là mỗi cuộc xung đột trong 3 cuộc xung đột này đều riêng biệt vì chúng có nguyên nhân, bối cảnh và động lực riêng biệt, nhưng chúng đang trở nên đan xen hơn so với ban đầu, một phần là do có quá nhiều sự phản kháng đang gia tăng ở châu Âu và những nơi khác về trật tự thế giới mà ông Donald Trump hình dung và các phương pháp mà ông đã chọn.
Giải quyết 3 cuộc xung đột này cùng lúc sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ ai, đặc biệt là đối với một người hoàn toàn mới trong lĩnh vực ngoại giao.
Ông Witkoff có những điểm mạnh, không chỉ là việc ông được ông Donald Trump tin tưởng. Ông cũng hiểu được suy nghĩ của tổng thống - và những gì nên được coi là giá trị bề ngoài. Ông sẽ không theo đuổi bất kỳ chương trình nghị sự nào khác ngoài chương trình nghị sự của tổng thống.
Richard Nephew, cựu nhà đàm phán Iran của Mỹ, cho biết việc cắt giảm Bộ Ngoại giao có nghĩa là Mỹ có nguy cơ mất đi một thế hệ chuyên gia... Đây không chỉ là thảm kịch. Đây là một đòn giáng mạnh vào an ninh quốc gia. Một nhà ngoại giao châu Âu nói rằng: "Giống như ông Witkoff đang cố gắng chơi cờ vua 3 chiều với các đại kiện tướng cờ vua trên 3 bàn cờ cùng một lúc, mà trước đây ông chưa từng chơi trò này".
Witkoff biết rằng ông cần phải đảm bảo một chiến thắng ngoại giao cho ông chủ thiếu kiên nhẫn của mình. Nhưng, 3 cuộc xung đột càng kéo dài, chúng càng trở nên rối rắm với nhau, thì uy tín của ông Donald Trump càng bị nghi ngờ. Theo một cuộc thăm dò của Reuters Ipsos được công bố trong tháng, 4,59% người Mỹ cho rằng ông Donald Trump đang khiến đất nước họ mất uy tín trên trường quốc tế.
Trong nỗ lực vội vã đạt được thỏa thuận với Iran trong vòng 2 tháng, không giống như mọi cuộc đàm phán hạt nhân trước đây với Tehran, ông Donald Trump đã loại trừ những lợi ích phức tạp của châu Âu khỏi phòng đàm phán.
Để Iran dễ chấp nhận hơn, ông Witkoff đã không đưa ra một chương trình nghị sự nào vượt ra ngoài việc ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân. Ông đã không đặt điều kiện về việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Ông cũng không đặt điều kiện Iran chấm dứt cung cấp vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của mình đang chiến đấu với Israel.
Điều đó đã khiến Israel và ở một mức độ nào đó là châu Âu lo ngại. Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược của Israel Ron Dermer và người đứng đầu Mossad David Barnea đã gặp ông Witkoff vào trung tuần tháng 4 tại Paris để cố gắng thuyết phục ông rằng khi ông gặp nhóm đàm phán Iran tại Rome, ông phải yêu cầu phá bỏ chương trình hạt nhân dân sự của Tehran. Ông Witkoff đã từ chối và giữa nhiều tuyên bố mâu thuẫn, chính quyền Mỹ đã quay lại với yêu cầu Iran nhập khẩu uranium làm giàu cần thiết cho chương trình hạt nhân dân sự của mình, thay vì làm giàu trong nước.
Thủ tướng Israel Netanyahu đã tìm ra lý do để không mở các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn - thả những con tin còn lại bị giam giữ ở Gaza để đổi lấy việc chấm dứt vĩnh viễn cuộc giao tranh. Ông Witkoff đưa ra những thỏa hiệp để kéo dài lệnh ngừng bắn nhưng ông Netanyahu đã từ chối, tiếp tục cuộc tấn công Hamas vào ngày 19/3. Đặc phái viên Mỹ chỉ mô tả quyết định của Israel là "đáng tiếc, ở một số khía cạnh, nhưng cũng rơi vào nhóm phải làm".
Bây giờ, việc ông Donald Trump từ chối gây áp lực buộc Israel dỡ bỏ lệnh cấm viện trợ vào Gaza suốt 6 tuần qua cho thấy sự rạn nứt giữa châu Âu và ông Donald Trump. Đánh dấu 50 ngày lệnh cấm vào tuần này, Pháp, Đức và Anh đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ mô tả việc từ chối viện trợ là không thể chấp nhận được. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang kêu gọi châu Âu phối hợp công nhận nhà nước Palestine và Saudi Arabia khẳng định Mỹ không tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, chưa có chính phủ châu Âu nào chỉ trích kế hoạch mất cân bằng của ông Donald Trump trước công chúng vì, với rất ít quân bài để chơi, nhu cầu cấp thiết trước mắt là cố gắng ngăn chặn ông Donald Trump hành động. Ít nhất, châu Âu sẽ lập luận rằng nếu ông Trump muốn có được tài nguyên của Ukraine, ông phải hỗ trợ một lực lượng châu Âu tuần tra lệnh ngừng bắn, một vấn đề chỉ được đề cập sơ sài trong kế hoạch hòa bình của Mỹ.