Startup Việt hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư khởi nghiệp

Trong bối cảnh gọi vốn khó khăn, nhiều startup thế giới đang phải tìm cách 'chống chịu', thế nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn phát triển tốt.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, thị trường đầu tư mạo hiểm thế giới đang ở trong giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, Việt Nam vẫn giữ được dòng vốn đầu tư cho các startup khởi nghiệp cả từ trong và ngoài nước. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn của các startup Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong năm 2024, nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo ở nhiều nước còn suy giảm nặng hơn năm 2023.

Hầu như các diễn đàn khởi nghiệp của thế giới đều đang nhắc đến cụm từ “chống chịu”, thế nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn phát triển tốt. Tất cả các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đều phát triển.

Khả năng gọi vốn nước ngoài tuy khó hơn, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2024 Việt Nam vẫn ghi nhận 38 thương vụ đầu tư vào các startup với quy mô 372 triệu USD, rất cao so với các nước khu vực ASEAN, bởi hầu như ở các nước khác là âm hoặc không có số dương”, ông Quất nói.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ kỳ vọng, từ giờ đến cuối năm 2024, tổng số vốn đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam có thể đạt gần bằng con số đầu tư của năm 2023 (529 triệu USD).

Các kỹ sư đang chế tạo một mẫu drone (máy bay không người lái) Make in Viet Nam. Ảnh: NVCC

Các kỹ sư đang chế tạo một mẫu drone (máy bay không người lái) Make in Viet Nam. Ảnh: NVCC

Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, năm 2024, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung.

Tại Việt Nam cũng ghi nhận sự hiện diện của 208 quỹ đầu tư, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 79 cơ sở ươm tạo và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam đã hình thành hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia.

Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển tốt. Điều này được thể hiện qua chỉ số “số thương vụ đầu tư mạo hiểm” cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024, trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố. Chỉ số “số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm” của Việt Nam cũng tăng từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển phong trào và đang bước sang giai đoạn mới, mở rộng cả về quy mô và chiều sâu.

Đây là giai đoạn hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cần có sự tăng cường liên kết cả trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có sự điều chỉnh, thay đổi vai trò và vị trí của các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của Chính phủ trong xây dựng thể chế, nhất là các cơ chế và chính sách riêng phù hợp với đặc thù của khởi nghiệp sáng tạo. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cần phải là nơi đưa ra các đầu bài, nhu cầu, nhưng cũng phải là nhà đầu tư, người sử dụng các kết quả khởi nghiệp sáng tạo.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/startup-viet-hut-hang-tram-trieu-usd-von-dau-tu-khoi-nghiep-2355336.html
Zalo