Sri Lanka: Thách thức đối với tân Tổng thống

Ngày 20-7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã được quốc hội bỏ phiếu bầu làm tổng thống thay thế ông Gotabaya Rajapaksa đã từ chức và rời khỏi đất nước. Giới phân tích cho rằng, kết quả này chưa chắc đã giải quyết được tình trạng khủng hoảng hiện nay ở Sri Lanka, mà ngược lại, có thể gây ra tình trạng hỗn loạn do người biểu tình không chấp nhận ông.

Ông Wickremesinghe năm nay 73 tuổi, từng 6 lần làm thủ tướng nhưng chưa bao giờ là tổng thống. Ông đã giành được chiến thắng dễ dàng trong cuộc bỏ phiếu kín chưa từng có tại quốc hội vào sáng 20-7. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi hàng triệu người dân Sri Lanka biểu tình buộc Tổng thống Rajapaksa từ chức.

Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe.

Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe.

Với sự ủng hộ của đảng cầm quyền Podujana Peramuna (SLPP), ông Wickremesinghe đã đánh bại một nghị sĩ SLPP khác là ông Dullas Alahapperuma, người thuộc nhóm ly khai và đã thành lập liên minh với các đảng đối lập lớn. Ông Wickremesinghe được xem là ứng cử viên được gia đình Rajapaksa ủng hộ. Dù không còn nắm quyền hành nhưng gia đình Wickremesinghe vẫn có ảnh hưởng đáng kể đối với đảng SLPP do dòng họ Wickremesinghe thành lập. Có mặt trong phòng họp quốc hội để bỏ phiếu là 3 thành viên của gia đình Rajapaksa vẫn là nghị sĩ, bao gồm cả em trai của ông Gotabaya, cựu Tổng thống và Thủ tướng Mahinda. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của các thành viên gia đình Rajapaksa kể từ khi ông Gotabaya Rajapaksa buộc phải chạy trốn khỏi đất nước. Trong cuộc bỏ phiếu, hầu hết các nghị sĩ của đảng cầm quyền đã tập hợp lại sau lưng giúp ông giành chiến thắng với 134 trong số 219 phiếu, trong khi ông Alahapperuma chỉ được 82.

Cuộc bỏ phiếu bầu ông Wickremesinghe diễn ra sau một tuần khủng hoảng chính trị căng thẳng ở Sri Lanka, hàng nghìn người biểu tình tấn công, tràn vào dinh tổng thống và đốt nhà thủ tướng. Trong cơn giận dữ của công chúng, ông Rajapaksa buộc phải trốn sang Maldives và từ đó sang Singapore. Việc từ chức của ông đã được chính thức công bố vào ngày 15-7. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Sri Lanka, một tổng thống đương nhiệm bị lật đổ bởi phong trào phản đối của quần chúng.

Được bầu làm tổng thống, ông sẽ phục vụ nốt phần còn lại của nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, cho đến tháng 11-2024. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng cuộc bầu cử của ông báo hiệu một tương lai không ổn định cho chính trị Sri Lanka, với những người biểu tình thề sẽ bóc mẽ ông giống như họ đã làm với ông Rajapaksa.

Xuất thân từ một dòng dõi chính trị lâu đời, ông sẽ phải đối mặt với con đường khó khăn phía trước khi Sri Lanka tiếp tục tê liệt bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng do không còn tiền để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu nay. Những sai lầm trong chính sách điều hành kinh tế của gia tộc Rajapaksa đã đẩy đất nước Sri Lanka đến bờ vực phá sản, lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực và nhiên liệu trầm trọng chưa từng có. Song song với khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng chính trị, khủng hoảng niềm tin sâu sắc của người dân vào quốc hội. Do đảng SLPP của gia tộc Rajapaksa đang chiếm đa số và ảnh hưởng rất mạnh trong quốc hội, mọi quyết định của quốc hội đều được đón nhận với thái độ phản đối gay gắt và mất niềm tin.

Đã có sự phản đối dữ dội và người dân tiếp tục biểu tình trên đường phố chống lại việc bầu ông Wickremesinghe làm tổng thống. Người ta đang nghi ngờ tính hợp pháp của ông trong lòng cử tri bởi mối quan hệ thân thiết của ông với gia đình Rajapaksa và nhiều người đã cáo buộc ông không có tư cách chính trị hoặc quyền hạn, vì ông đã được tổng thống bị lật đổ Gotabaya Rajapaksa bổ nhiệm vào vai trò thủ tướng và nhận được rất ít sự ủng hộ của các cử tri. Nhiều người lo ngại ông sẽ tìm mọi cách bảo vệ gia tộc Rajapaksas không phải chịu trách nhiệm, như ông đã từng bị cáo buộc và sẽ không kích hoạt sự thay đổi hiến pháp theo yêu cầu của người biểu tình, bao gồm cả việc chấm dứt chế độ tổng thống hành pháp.

Trước cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc và ra tuyên bố gọi những người biểu tình là “phát xít” và cho biết ông sẽ không ngại đàn áp các cuộc biểu tình. Chưa đầy một giờ sau khi ông được tuyên bố là tổng thống, tòa án đã ban hành lệnh cấm bất kỳ ai tụ tập trong bán kính 50 mét quanh tượng đài Galle Face ở Colombo, nơi những người biểu tình chống chính phủ đã cắm trại trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, người biểu tình đã bất chấp lệnh cấm và tiếp tục tụ tập, chiếm đóng dinh tổng thống, hò hét phản đối ông. Nhiều người biểu tình cho rằng “quốc hội hôm nay đã đưa ra quyết định trái với ý muốn của người dân” và cho biết cuộc biểu tình ôn hòa sẽ tiếp tục cho đến khi ông Wickremesinghe từ chức.

Trong một bài phát biểu sau khi tuyên bố chiến thắng, ông đã yêu cầu các đảng đối lập làm việc với mình. “Tôi không cần phải nói cho bạn biết tình trạng đất nước của chúng ta đang ở đâu. Bây giờ cuộc bầu cử đã kết thúc, chúng ta phải chấm dứt sự chia rẽ này. Chúng tôi đã có 48 giờ để ở trong tình trạng chia rẽ nhưng từ bây giờ tôi đã sẵn sàng đối thoại với các bạn”, ông nói.

Ông Wickremesinghe có hơn 4 thập niên kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị và tự tin mình là một người rất giàu kinh nghiệm và có khả năng dẫn dắt Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử và sẽ giúp nước này đàm phán về một gói cứu trợ quan trọng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng, đó chỉ là bước đầu. Nhiệm vụ quan trọng và khó khăn hơn đối với ông là làm sao sửa chữa những sai lầm của người tiền nhiệm để đưa đất nước Sri Lanka vượt qua khủng hoảng, trở lại con đường phát triển. Việc này sẽ rất khó khăn trong bối cảnh người biểu tình vẫn tiếp tục phản đối ông.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/sri-lanka-thach-thuc-doi-voi-tan-tong-thong-i661658/
Zalo