Sri Lanka sẽ tham gia lực lượng bảo vệ Biển Đỏ bất chấp kinh tế khó khăn

Hải quân Sri Lanka, quốc gia vốn đang ngập trong nợ nần, cho biết đang chuẩn bị tham gia một chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ các tàu buôn đi lại ở Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, một phát ngôn viên hải quân Sri Lanka cho biết hôm 9.1.

 Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mason (DDG 87) tham gia hỗ trợ Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng ở Biển Đỏ, ngày 3.1.2024. Ảnh: US Navy

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mason (DDG 87) tham gia hỗ trợ Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng ở Biển Đỏ, ngày 3.1.2024. Ảnh: US Navy

Trách nhiệm quốc tế

Người phát ngôn hải quân, Đại úy Gayan Wickramasuriya cho biết, nước này chưa ấn định ngày cử các tàu Sri Lanka đến và khu vực mà họ sẽ tuần tra.

Thông tin trên đã dẫn đến sự phản ứng gay gắt từ các nhà lập pháp đối lập ở quốc đảo này. Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa chỉ trích chính phủ đã “vung tay quá trán” khi chi tới 250 triệu LKR (777.000 USD) để gửi tàu chiến tham gia chiến đấu chống quân nổi dậy Houthi ở Biển Đỏ trong bối cảnh người Sri Lanka đang gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng ở quê nhà.

Bảo vệ quyết định của mình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pramitha Tennakoon chính phủ muốn chứng tỏ “trách nhiệm quốc tế” của mình và lưu ý rằng “Sri Lanka muốn tham gia chống lại mọi hình thức khủng bố”.

Ông nhấn mạnh thêm rằng Sri Lanka sẽ không phải chịu thêm chi phí khi tham gia các hoạt động bảo vệ Biển Đỏ vì các tàu của nước này vốn đang tiến hành tuần tra khu vực hàng hải rộng lớn ở Ấn Độ Dương.

Lực lượng Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các tàu vận tải thương mại đi qua eo biển Bab el-Mandeb nối giữa các thị trường ở châu Á và châu Âu sau khi Israel mở mặt trận nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas ở Gaza. Trước tình hình an ninh nghiêm trọng ở Biển Đỏ, Mỹ và các đồng minh đã phát động Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng để bảo vệ giao thông tàu bè và các tàu chiến của Mỹ, Pháp và Anh đang tuần tra khu vực.

Vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế

Về phần mình, Sri Lanka đang phải vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Nước này đã tuyên bố phá sản vào tháng 4.2022 với khoản nợ hơn 83 tỷ USD - hơn một nửa trong số đó là nợ nước ngoài. Nền kinh tế nước quốc gia Nam Á vào khủng hoảng, thiếu lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác trầm trọng.

Sự bất mãn của người dân đã dẫn đến các cuộc biểu tình nghiêm trọng. Vào tháng 7.2022, người dân đã tràn vào dinh tổng thống lật đổ nhà cầm quyền Gotabaya Rajapaksa. Ngay sau đó, Quốc hội Sri Lanka đã nhất trí bầu ông Ranil Wickremesinghe làm tổng thống mới của nước này, người sẽ tại nhiệm đến cuối năm 2024.

Vào tháng 3 năm ngoái, IMF đã đồng ý về gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD cho nước này. Sri Lanka hy vọng sẽ cơ cấu lại 17 tỷ USD trong số hàng chục tỷ USD nợ tồn đọng.

Trong năm qua, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men phần lớn đã giảm bớt và chính quyền đã khôi phục nguồn cung cấp điện. Tuy nhiên, sự bất mãn của công chúng ngày càng gia tăng trước những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng doanh thu bằng cách tăng hóa đơn tiền điện và áp thuế thu nhập mới nặng nề đối với doanh nghiệp.

Tuần trước, chính phủ đã tăng thuế giá trị gia tăng và mở rộng thuế này sang áp dụng cho nhiều mặt hàng thiết yếu, bao gồm gas nấu ăn, nhiên liệu, thuốc men và những mặt hàng khác.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/sri-lanka-se-tham-gia-luc-luong-bao-ve-bien-do-bat-chap-kinh-te-kho-khan-i357180/
Zalo