Sri Lanka có tân Tổng thống sau khủng hoảng kinh tế
Chính trị gia Anura Kumara Dissanayake đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka sau vòng kiểm phiếu thứ hai mang tính lịch sử.
Không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% tổng số phiếu bầu trong vòng đầu tiên, trong đó Dissanayake giành được 42,31%, còn đối thủ gần nhất của ông, lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa giành được 32,76%.
Dissanayake, người đã hứa với cử tri sẽ quản trị tốt đất nước kèm theo các biện pháp chống tham nhũng cứng rắn, đã nổi lên là người chiến thắng sau lần kiểm phiếu thứ hai.
Cuộc bầu cử vào ngày 21/9 là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ lật đổ nhà lãnh đạo đất nước - Gotabaya Rajapaksa diễn ra vào năm 2022 sau khi Sri Lanka phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao - khoảng 76% trong số 17 triệu cử tri.
Chính trị gia Dissanayake, 55 tuổi nói với người dân Sri Lanka rằng "chiến thắng này thuộc về tất cả chúng ta", trong một thông điệp trên nền tảng mạng xã hội X.
Sau khi kiểm phiếu, Ủy ban bầu cử cho biết ông đã giành được tổng cộng 5.740.179 phiếu bầu so với 4.530.902 phiếu bầu của Premadasa.
Để phục hồi nền kinh tế, Dissanayake đã hứa sẽ phát triển các ngành sản xuất, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Ông cũng cam kết tiếp tục thỏa thuận đã ký với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để cứu Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đồng thời giảm tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với những người nghèo nhất của đất nước.
Cuộc bỏ phiếu này được mô tả là một trong những cuộc bỏ phiếu sát nút nhất trong lịch sử đất nước. 17 triệu người Sri Lanka đủ điều kiện bỏ phiếu vào ngày 21/9 và ủy ban bầu cử của đất nước thông tin đây là cuộc bầu cử hòa bình nhất trong lịch sử đất nước. Tuy nhiên, cảnh sát đã ban bố lệnh giới nghiêm vào đêm muộn ngày 21/9 với lý do "an toàn công cộng".
Dissanayake đã hứa với cử tri về các biện pháp chống tham nhũng cứng rắn và quản trị tốt - những thông điệp đã gây được tiếng vang lớn với những cử tri đã kêu gọi thay đổi có hệ thống kể từ cuộc khủng hoảng.
Dissanayake là thành viên của đảng Janatha Vimukthi Peramuna (JVP), đảng đã tiến hành hai cuộc nổi dậy có vũ trang vào những năm 1970 và 1980. Liên minh của ông hiện nay: Quyền lực nhân dân quốc gia - trong đó JVP là một phần - đã nổi lên trong các cuộc biểu tình năm 2022, được gọi là Aragalaya trong tiếng Sinhala có nghĩa là đấu tranh. Trong những năm gần đây, ông cũng đã tìm cách điều chỉnh lập trường cứng rắn của đảng mình.
Kết quả ban đầu cho thấy ông đang dẫn đầu, khiến một số nhân vật cấp cao - bao gồm cả bộ trưởng ngoại giao của đất nước phải chúc mừng ông.
Thách thức vì khủng hoảng kinh tế
Tổng thống mới của đất nước sẽ phải đối mặt với hai nhiệm vụ song song là phục hồi nền kinh tế và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy cuộc nổi dậy Aragalaya (đấu tranh) lật đổ Rajapaksa khỏi dinh Tổng thống vào năm 2022.
Vào thời điểm đó, dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka đã cạn kiệt, khiến đất nước không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu. Nợ công đã tăng vọt lên 83 tỷ đô la trong khi lạm phát tăng vọt lên 70%.
Điều này khiến những nhu cầu cơ bản như thực phẩm và thuốc men trở nên quá đắt đỏ đối với người dân thường.
Tình trạng khốn khổ về kinh tế của đất nước này bị đổ lỗi cho những sai lầm lớn về chính sách, xuất khẩu yếu kém và nhiều năm đánh thuế thấp. Điều này trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 đã bóp nghẹt du lịch, một động lực kinh tế quan trọng của nước này.
Nhưng nhiều người cũng đổ lỗi cho tham nhũng và quản lý yếu kém, khơi dậy sự tức giận đối với Rajapaksa và gia đình ông, những người đã cùng nhau cai trị Sri Lanka trong hơn 10 năm.
"Thách thức nghiêm trọng nhất là làm thế nào để khôi phục nền kinh tế này" - Tiến sĩ Athulasiri Samarakoon, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Mở Sri Lanka, nói với BBC.
Trong nhiệm kỳ của mình, Wickremesinghe đã đảm bảo được khoản cứu trợ 2,9 tỷ đô la từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoản tiền này rất quan trọng để mở thêm các kênh tài trợ, nhưng đi kèm với các cải cách chính sách kinh tế và quản trị nghiêm ngặt.
Sri Lanka đang tái cấu trúc các điều khoản thanh toán nợ với các chủ nợ trong và ngoài nước, theo yêu cầu của IMF. Trọng tâm chính là khoản nợ nước ngoài trị giá 36 tỷ đô la của quốc gia này, trong đó có 7 tỷ đô la nợ Trung Quốc, chủ nợ song phương lớn nhất của quốc gia này.
Giống như Dissanayake, Premadasa cũng thúc đẩy phát triển ngành công nghệ thông tin, cũng như thành lập 25 khu công nghiệp mới. Ông cho hay du lịch cần được hỗ trợ để trở thành ngành thu ngoại tệ hàng đầu của quốc gia.
Tại chiến dịch tranh cử, Wickremesinghe hứa sẽ tăng gấp đôi lượng khách du lịch và thành lập một quỹ đầu tư quốc gia, cũng như các khu kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng.