Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
Những ngày gần đây, thị trường bất động sản tại Quảng Nam, đặc biệt là khu vực giáp ranh TP. Đà Nẵng, đang nóng lên bất thường trước tin đồn về việc sáp nhập hai địa phương. Giá đất tại một số khu vực thuộc thị xã Điện Bàn tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ sốt ảo, thổi giá.
Tâm lý sợ lỡ cơ hội đẩy giá đất cao bất thường
Từ đầu tháng 3/2025 đến nay, phóng viên ghi nhận tình trạng người dân đổ xô tìm mua đất tại các phường phía Bắc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - khu vực giáp ranh với TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, lượng môi giới bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều, liên tục chào bán đất nền với mức giá tăng chóng mặt.
Một số nhà đầu tư cho biết đang tìm đến khu vực này để đầu tư vì nghe tin đồn sáp nhập, dù chính quyền chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào. Những khu vực được quan tâm nhiều nhất là phường Điện Ngọc, Điện Dương và Điện Nam (thị xã Điện Bàn.

Nhiều nhà đầu tư nghe tin đồn sáp nhập đã tìm đến các vùng đất giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng để hỏi mua đất
Theo khảo sát, chỉ trong vài tuần, giá một số lô đất tại khu vực nói trên đã tăng từ 200 - 500 triệu đồng/lô. Tại khu đô thị Ngọc Dương Riverside (Điện Ngọc), người mua đổ về đông đúc khiến giá rao bán đất tăng theo. Hiện một lô đất liền kề 100 - 125m² tại đây đang được chào bán với mức giá từ 1,6 - 1,8 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Chị H., một nhà đầu tư cho biết: "Nghe tin Quảng Nam - Đà Nẵng hợp nhất nên tôi đến khu vực Điện Ngọc tìm hiểu và thấy giá đất tăng từ 200 - 300 triệu đồng mỗi lô so với vài tháng trước. Môi giới liên tục thúc giục “xuống tiền” ngay, nếu không sắp tới giá có thể còn tăng cao hơn nữa".
Thay đổi giá theo tuần là một trong những “chiêu trò” khá phổ biến mà giới đầu cơ và “cò đất” sử dụng để "thổi giá", đánh vào tâm lý lo sợ bỏ lỡ cơ hội của người mua.
Cảnh giác với chiêu trò "thổi giá"
Không khó để nhận ra dấu hiệu của một cơn sốt đất ảo tại thị xã Điện Bàn. Nhiều môi giới bất động sản liên tục đưa ra các mức giá cao dần lên nhằm kích thích tâm lý mua vào của nhà đầu tư.
Anh H.N., một môi giới lâu năm tại khu vực Điện Ngọc cho biết, chỉ trong vòng một tháng qua, lượng khách đến xem đất và giao dịch tăng mạnh. Đặc biệt, sau khi có tin đồn sáp nhập với Đà Nẵng, giá đất ở đây tăng từ 200 đến 400 triệu đồng/lô.

Nhiều môi giới còn cam kết "hão", chỉ cần đầu tư vào đây trong vòng hai tháng có thể thu về lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng?
Qua giới thiệu của một số “cò đất”, một lô đất có diện tích 80m², mặt đường 5m, nằm cuối khu dân cư có giá hơn 1,3 tỷ đồng. Trong khi đó, một lô đất khác rộng 100m², mặt đường 7,5m, vị trí gần trục giao thông chính được chào giá 2,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, môi giới còn cam kết chỉ cần đầu tư vào đây trong vòng hai tháng là có thể thu về lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng, bất chấp thực tế rằng thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu tăng trưởng bền vững.
Những chiêu trò thổi giá này không phải là mới. Trước đây, tại Điện Bàn cũng từng xảy ra tình trạng sốt đất do tin đồn sáp nhập một số xã, phường vào TP. Đà Nẵng. Thế nhưng, sau khi cơn sốt qua đi, giá đất giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ rơi vào cảnh "ôm bom", không thể bán lại với mức giá mong muốn.
Chính quyền vào cuộc kiểm soát thị trường
Nhìn lại các đợt sốt đất trước đây, có thể thấy rằng hầu hết đều không bền vững và thường kết thúc bằng đợt giảm giá mạnh khiến nhiều người thiệt hại nặng nề.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang mua đất vì tin rằng trung tâm hành chính sẽ dời về Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu không có thông tin chính thức từ chính quyền, việc đầu tư theo tin đồn rất rủi ro. Nếu không sáp nhập như kỳ vọng, giá đất có thể lao dốc nhanh chóng.
Trước thực trạng sốt ảo và hiện tượng thổi giá, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm kiểm soát tình hình. Ngày 1/4/2025, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản. Văn bản này nhấn mạnh, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra các dự án bất động sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh nhà ở, đất đai. Công an tỉnh sẽ theo dõi, xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn thị trường, gây mất ổn định kinh tế - xã hội.

Trước những thông tin bất ổn về thị trường, chính quyền tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản
UBND các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu giám sát hoạt động rao bán, đặt cọc đất nền tại các dự án chưa đủ điều kiện để ngăn chặn hành vi thao túng giá. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản công khai thông tin minh bạch để người dân có thể tiếp cận nguồn dữ liệu chính xác, tránh bị lừa đảo bởi các tin đồn vô căn cứ.
Một chuyên gia khuyến cáo, để tránh rơi vào bẫy sốt đất ảo, nhà đầu tư nên kiểm chứng thông tin từ nguồn chính thống, theo dõi các thông báo từ UBND tỉnh, Sở Xây dựng để nắm rõ quy hoạch thực tế; không chạy theo tâm lý đám đông, vì khi giá đất tăng nhanh một cách bất thường mà không có lý do rõ ràng, nguy cơ bong bóng rất cao; cần thận trọng với những cam kết lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, bởi những lời hứa "lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng chỉ trong 2 tháng" thường chỉ là chiêu trò dụ dỗ.
Đầu tư bất động sản nên dựa trên giá trị sử dụng thực sự, thay vì chỉ chạy theo tin đồn. Sốt đất ảo không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường bất động sản và kinh tế địa phương. Do đó, mỗi người cần tỉnh táo, sáng suốt trước khi đưa ra quyết định mua bán đất trong giai đoạn này.