Sony: Từ điện tử tiêu dùng đến 'đế chế' giải trí

Sony đã chi 10 tỷ USD trong sáu năm qua để xây dựng danh mục đầu tư khổng lồ về trò chơi, phim và âm nhạc, ba phân khúc kinh doanh chiếm 60% doanh thu hàng năm của công ty.

Sony đang đặt cược vào một chiến lược đầu tư nhiều tỷ USD để sản xuất nhiều nội dung gốc hơn, như một phần của "sự chuyển dịch sáng tạo" mà doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản hy vọng sẽ giúp họ giành được thị phần lớn hơn trong ngành giải trí trị giá 3.000 tỷ USD. Nội dung gốc là những nội dung xuất hiện lần đầu trên bất cứ nền tảng hay định dạng nào.

Giám đốc điều hành Kenichiro Yoshida cho biết Sony cần chuyển trọng tâm từ phân phối sang sáng tạo tài sản trí tuệ để củng cố quá trình chuyển đổi của công ty từ một thương hiệu điện tử tiêu dùng thành một công ty giải trí toàn cầu.

Ông Yoshida cho biết Sony có công nghệ và sáng tạo là lĩnh vực mà hãng yêu thích và có thể đóng góp nhiều nhất. Sony vẫn có thể sử dụng máy ảnh, cảm biến và sản phẩm điện tử tiêu dùng khác để sản xuất nội dung giải trí trực tiếp.

Dưới thời ông Yoshida, Sony đã chi 10 tỷ USD trong sáu năm qua để xây dựng danh mục đầu tư khổng lồ về trò chơi, phim và âm nhạc, ba phân khúc kinh doanh chiếm 60% doanh thu hàng năm của công ty.

Quyết định tập trung vào sáng tạo nội dung của Sony đã đặt doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh trực tiếp với các công ty công nghệ lớn như Netflix, Apple và Amazon. Các công ty này đang tham gia vào một cuộc chiến khốc liệt để mua lại và sản xuất nội dung toàn cầu, với tổng chi tiêu cho nội dung toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 250 tỷ USD trong năm nay.

Cho đến nay, doanh nghiệp Nhật Bản này đã áp dụng một cách tiếp cận khác. Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng phát trực tuyến, Sony đã bán bản quyền phim và truyền hình của mình cho những nền tảng đó, một mối quan hệ hợp tác mà Sony muốn duy trì khi tham gia sâu hơn vào sản xuất nội dung.

Sony đã tận dụng sự đa dạng của các doanh nghiệp truyền thông để kiếm lợi nhuận tốt hơn từ tài sản trí tuệ (IP) đã mua, mang lại những thành công trong những năm gần đây như The Last of Us, được chuyển đổi từ một trò chơi PlayStation thành một loạt phim truyền hình cực kỳ nổi tiếng, và Uncharted, một trò chơi video khác được chuyển thể thành phim điện ảnh.

Sau đợt chi tiêu đầu tư, các giám đốc điều hành cấp cao của Sony cho rằng tập đoàn cần tham gia trực tiếp hơn vào việc tạo nội dung ở giai đoạn đầu để có được lợi nhuận cao hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng, Giám đốc Tài chính Hiroki Totoki, người được coi là người kế nhiệm ông Yoshida, cho biết Sony đang thiếu sự phát triển và xây dựng tài sản trí tuệ từ giai đoạn đầu, điều này là một hạn chế đối với họ trong các lĩnh vực như trò chơi, phim và hoạt hình (anime). Mặc dù Sony đã có kinh nghiệm thành công trong việc đưa nội dung nội địa ra thị trường quốc tế, nhưng việc thiếu IP tự phát triển từ đầu có thể là một thách thức đối với tương lai của hãng.

Trọng tâm chính của sự chuyển đổi sang sáng tạo nội dung của Sony là tìm cách tăng lợi nhuận từ bộ sưu tập rộng lớn các phim hoạt hình Nhật Bản của họ, vốn được củng cố thêm thông qua việc mua lại dịch vụ phát trực tuyến anime Crunchyroll của AT&T với giá 1,2 tỷ USD trong năm 2021.

Tuy vậy, sự chuyển hướng trên sẽ đặt Sony vào “đầu ngọn sóng” trong cuộc cạnh tranh với các nhà sản xuất hoạt hình, nhà sản xuất trò chơi và đạo diễn cũng như những người sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để tạo ra nội dung mới.

Minh Hằng (Theo Financial Times)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sony-tu-dien-tu-tieu-dung-den-de-che-giai-tri/347588.html
Zalo