Sống ý nghĩa để thấy 'Tình yêu mạnh như nước'
Nhà thơ - nhà báo Hà Phương đã không ngừng chiến đấu với bệnh tật để gửi vào trang thơ những điều tốt đẹp
Những ai yêu thơ khi đọc "Tình yêu mạnh như nước" sẽ cảm nhận sự trở lại đầy mãnh liệt của nhà thơ - nhà báo Hà Phương (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP HCM). Bà đã không đầu hàng với bệnh tật để ở tuổi 75 ra mắt tập thơ, đồng thời trao món quà nhỏ của mình đến những đồng nghiệp trẻ trong dịp chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2024).
Để xuất bản tập thơ trong điều kiện sức khỏe rất kém, nhà thơ - nhà báo Hà Phương đã nhận được sự đồng hành của chồng - nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tuấn. Bên cạnh đó còn có sự góp sức của bạn bè như nhà văn Trần Thị Thắng thông qua sưu tầm những bài thơ thất lạc hoặc tác giả đã quên và biên tập lại những bài thơ ngày xưa mà tác giả đã gìn giữ suốt thời gian làm báo.
Tên tập thơ được lấy từ tựa bài thơ sáng tác cho bộ phim nhiều tập của Nguyễn Mạnh Tuấn: "Thái sư Trần Thủ Độ" (công chiếu năm 2013) - một bộ phim giàu tính nhân văn được khán giả đón nhận.
"Tình yêu mạnh như nước" đã in bìa với ký họa chân dung nhà thơ - nhà báo Hà Phương qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái nhà văn Kim Lân. Trình bày sách do Thảo Như - một sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM - với các trang minh họa đầy chất trẻ, trong đó có cả tranh vẽ của cháu ngoại nhà thơ Hà Phương là Phúc Long.
Có thể nói tập thơ là công trình mà vợ chồng nhà thơ - nhà báo Hà Phương nâng niu trao tặng bạn bè, giới văn thơ và cho cả con cháu của mình.
Tập thơ "Tình yêu mạnh như nước" có 2 phần. Phần đầu như là nhật ký viết bằng thơ - sưu tầm những bài thơ, những suy nghĩ của bà thời sinh viên trong chiến tranh và thời gian vượt Trường Sơn vào chiến trường, hoạt động ở miền Nam đến ngày đất nước thống nhất. Phần thứ hai là thơ bà viết cho bộ phim truyền hình nhiều tập của chồng và nhiều bài thơ khác của bà với các đề tài hiện đại.
Ấn tượng nhất, người yêu thơ sẽ nhận biết bộ mặt thật của chiến tranh, dù khi nó đã lùi xa vẫn thấy rất rõ niềm khao khát hòa bình rất thiêng liêng của một thiếu nữ dấn thân vào cuộc chiến.
Với bạn nghề, bài thơ "Tôi không đồng ca" của Hà Phương là một tuyên ngôn thơ: "Thơ không thể đứng trong dàn đồng ca/ Cao hứng buồn vui theo nhịp tay nhạc trưởng/ Một chỗ riêng/ Mỉm cười khi vui sướng/ Nếu khổ đau cũng chẳng thở than/ Nếu không sống thật đúng mình/ Dù cười hay khóc cũng thành đồng ca/ Tôi không thể giống nhiều người/ Suốt đời chỉ biết những lời đồng ca".
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải đã nói: "Đúng là "Tình yêu mạnh như nước" dành cho đất nước, cho cuộc sống, cho bạn bè, gia đình, xã hội và cho thơ ca. Tập thơ này được đón đợi là điều dễ hiểu. Chúc mừng Hà Phương - người bạn từ thời sinh viên văn khoa Hà Nội của K12 chúng tôi, đã 50 năm vẫn gắn bó!".
Nhà thơ - nhà báo Hà Phương tên thật Đỗ Thị Thanh, sinh năm 1950 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1967 - 1971, bà vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam và công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Sau năm 1975, nhà thơ Hà Phương hoạt động báo chí và văn chương tại TP HCM.