Sống với sông: Sướng, khổ cùng dòng sông (Bài 2 )

Long An có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Xưa, những bậc tiền hiền, hậu hiền khai hoang mở cõi, dấu tích của họ còn lưu lại nơi đình, chùa, miếu ven sông. Sông kết nối giao thương, chở nặng phù sa bồi đắp ruộng đồng, tưới tiêu cho những mùa vàng bội thu và chở nặng những phận người gắn bó theo từng con nước. Theo dòng chảy của cuộc sống, nhiều người từ giã kiếp thương hồ lên bờ tìm kế sinh nhai. Nay, trên những dòng sông vắng dần cảnh tấp nập ngược xuôi, trên bến dưới thuyền nhưng ven sông lại nhộn nhịp với những bờ kè lung linh ánh điện, những dự án du lịch sinh thái nhen nhóm. Sự phát triển đó là tất yếu nhưng cần hài hòa trong sự hiểu sông, hiểu nước.

Bài 2: Sướng, khổ cùng dòng sông

“Hỡi ơi! Con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã, thì lệ của tôi sao nó cũng lai láng muôn dòng” - câu hát trích trong bài Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu, khi nghe Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn ca, tôi chỉ biết hay nhưng không cảm được. Để rồi, khi có dịp lênh đênh trên ghe, có dịp làm khách thương hồ, tôi mới phần nào thấu được tình người nơi ấy.

Cảnh ghe thương hồ rất thường thấy trên sông nước miền Tây nói chung và Long An nói riêng

Cảnh ghe thương hồ rất thường thấy trên sông nước miền Tây nói chung và Long An nói riêng

Giữa bao nhiêu nghề gắn với sông, tôi chọn viết về thương hồ, bởi nó là đặc trưng của Long An nói riêng và cả miền Tây Nam Bộ nói chung. Nhưng nghề này đâu chỉ là những câu chuyện tỉ tê, thê thiết như bài ca trên mà còn mang nét dễ thương, nghĩa tình. Tôi quá giang ghe tràm của ông anh từ Bàu Tân (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) ngược dòng Vàm Cỏ lên đầu vàm kênh Xáng (xã Bình Đức, huyện Bến Lức). Ông anh nói, bây giờ trên ghe có máy gắn trực tiếp, chỉ cần nhấn nút là khởi động chứ lúc xưa còn nghèo, bơi xuồng ba lá lên đây, gặp con nước ngược là cực trần ai khoai củ.

Rời ghe tràm, sang ghe trấu, chú Nguyễn Văn Cọp tiếp đãi thiệt ân cần. Chú nói quê ở Chợ Mới (tỉnh An Giang) nhưng bốn bể là nhà, bởi người miền Tây dễ thương, chân chất, đi đâu chú cũng thấy như ở nhà mình vậy. Hồi mới lập gia đình, vợ chồng chú làm 5 mẫu ruộng nhưng thất nhiều hơn trúng. Bởi vậy, chú bàn với vợ sắm ghe chở mướn, vì thấy nhiều người cùng quê khá lên nhờ nghề này. Chiếc ghe đầu tiên chỉ hơn 10 tấn, dần dần lên 30, 50 và đến nay là 70 tấn. Xứ chú nhiều lò gạch đốt bằng trấu. Chú mua tro chở lên Bến Lức bán cho nhà vườn trồng chanh, đu đủ, thanh long. Có khi chú chở lên Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) rồi mua lu, khạp về bán lại. Tro trấu miệt nước ngọt bón cây rất tốt, nhà vườn mua nhiều, nhờ vậy chú có nhiều mối. Những lúc vô mùa, chỉ cần 2 ngày là chú bán sạch ghe tro. Lúc gặp tôi, chú than nay mưa, nằm cả tuần rồi mà chỉ vơi phân nửa. Rồi chú tự an ủi: “Mình vầy quý lắm rồi! Ngoài Bắc bão, lũ, họ còn khổ hơn nhiều”. Chú đang nói đến cảnh người dân ngoài ấy oằn mình đối phó với cơn bão lớn.

Làm nghề thương hồ, chú Nguyễn Văn Cọp xem bốn biển là nhà bởi người miền Tây ở đâu cũng dễ thương như nhau

Làm nghề thương hồ, chú Nguyễn Văn Cọp xem bốn biển là nhà bởi người miền Tây ở đâu cũng dễ thương như nhau

Nhà vườn quý chú lắm! Nghe ông Cọp sắp lên là chuẩn bị cơm với vài ba xị, no trước tính sau. Hễ tiếng máy ghe xình xịch chậm dần là chủ vườn vừa tới rước đi. Lúc chú về lỉnh kỉnh nào chanh, nào gừng, nào khoai mì, có khi là trái bầu, trái mướp. Chú cũng đáp lễ bằng những hũ mắm cá linh, cá lóc quê nhà, bao tro lúc nào cũng ém chặt để chứa được nhiều hoặc kiêm luôn vai trò shipper lúc nhà vườn có gửi mua gì đó.

Từng làm nông dân nên chú hiểu, không phải lúc nào trồng trọt cũng có lời bởi vậy chú chủ động bán thiếu, từ từ trả cũng được. “Nhưng trả hết trơn hà, coi vậy chứ họ đàng hoàng lắm!” - chú nói. Gần 30 năm theo nghiệp thương hồ, chú chưa bị giựt đồng nào, cũng chưa từng mần ăn không uy tín với ai. Chú tâm sự: “Muốn theo được nghiệp thương hồ, một là phải yêu nghề, hai là phải có duyên buôn bán. Còn chuyện mần ăn đàng hoàng, uy tín là lẽ dĩ nhiên. Hễ họ thấy được là mua hoài và giới thiệu nhiều mối khác, còn gian lận mai mốt khó buôn bán lắm! Người này nói với người kia là mình đứt đường làm ăn, đặc điểm của người miền Tây là vậy đó”.

Theo chú, nghề thương hồ sợ nhất là lúc trời dông gió. Sông trên này còn đỡ, gặp sông Cái (sông Tiền, sông Hậu), không khéo là lật ghe như chơi. Nhưng xét lại thì vui nhiều hơn buồn. Chú được đi nhiều nơi, các chợ lại sát sông nên thị trường, dân tình chỗ nào ra sao chú đều biết. Chuyện ăn uống thì thoải mái, thậm chí còn ăn sang hơn lúc trên bờ, chỉ cần ngồi trên ghe ngoắc tay là cái gì cũng có, dân thương hồ lại thiệt tình, ít ai nói thách. “Cái nghề này tha phương, làm dâu trăm họ, đi đâu cũng vậy, bà con có thương thì mình mới sống được. Nhưng muốn người ta thương thì mình phải đàng hoàng” - chú bộc bạch.

Gần 70 xuân, chú trải qua nhiều buồn, vui, thăng trầm của đời người. Chú cũng nhìn thấy nghề thương hồ đã qua rồi thời huy hoàng. Ngày nay, giao thông đường bộ thuận tiện nên người dân ưu tiên, ai còn sống được với ghe là nhờ mối lái mấy chục năm nay, ai gian xảo, mánh mun thì càng “chết” sớm. Chú biết đó là quy luật tất yếu.

Chú Nguyễn Văn Cọp và vợ trong chiếc ghe chở tro tại cầu Kênh Xáng (ấp 4, xã Bình Đức, huyện Bến Lức)

Chú Nguyễn Văn Cọp và vợ trong chiếc ghe chở tro tại cầu Kênh Xáng (ấp 4, xã Bình Đức, huyện Bến Lức)

Con trai chú (anh Nguyễn Văn Hổ) trước đây cũng đi ghe nhưng không đủ ăn nên chuyển sang nghề khác. Giờ chú yếu sức nên gọi anh về phụ và kế nghiệp gia đình. Nhờ làm ăn đàng hoàng, mối lái mấy mươi năm nhiều nên chiếc ghe hiện tại cũng giúp gia đình no đủ. Ngày xưa, trẻ con sống dưới ghe đa phần thất học, bởi cuộc sống rày đây mai đó mà các em không có điều kiện đến trường. Mặt khác, nhiều người cho rằng mình có nghề ngon lành, chủ quan miền Tây cá tôm ê hề, ruộng đất bao la. Đó cũng là một “tử huyệt” khi xã hội đang thay đổi mạnh mẽ. Chú Cọp biết điều đó nên không khuyến khích các cháu theo nghề mà tập trung học. Hiện tại, cháu nội của chú (con trai anh Hổ) đang học năm thứ 2 tại Trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM). “Nó đem mấy bài viết tiếng Tây về khoe tui, tui hổng hiểu gì ráo, mà vui lắm!” - chú Cọp hào hứng nói.

Có thể thấy, nghề thương hồ ở miền Tây có điểm khác biệt, độc đáo so với kiểu thương nghiệp truyền thống và bán buôn hiện đại. Dân thương hồ giao dịch bằng niềm tin, bằng tình, bằng nghĩa. Trên những dòng sông quanh năm xuôi ngược, có người giàu lên, có người rạp xuống. Dù thời thế đổi thay nhưng họ vẫn giữ cốt cách của mình, không lừa lọc, không mánh mun, luôn giữ trong lòng cái thiện. Đối với họ, dòng sông là cuộc mưu sinh, mỗi bến ghe neo đậu là nơi trao tình, gửi gắm.

Chiều đó, trong cơn mưa lất phất, tôi lại qua cầu Kênh Xáng. Nhìn bữa cơm của gia đình họ trên ghe, lòng tôi chợt ấm, lạ lùng!/.

(còn tiếp)

Bài 3: Niềm vui nơi những bờ kè

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/song-voi-song-suong-kho-cung-dong-song-bai-2--a183056.html
Zalo