Sông nước quê Thanh vào hội
Dọc dài dải đất miền Trung nắng gió, xứ Thanh được thiên nhiên ban tặng 102km bờ biển và nhiều con sông lớn với những cái tên đã đi vào lịch sử. Từ sông Mã anh hùng, sông Chu trầm tích, sông Yên êm đềm, hay sông Lạch Trường vang dội những chiến công... Mỗi dòng sông trên mảnh đất xứ Thanh chở nặng phù sa bồi tụ nên xóm làng trù phú. Trải qua những thay đổi của không gian và thời gian, cư dân những vùng sông nước ấy đã hình thành nên những nét văn hóa riêng có, mang đậm sắc thái vùng miền. Ấn tượng nhất là cứ mỗi độ tết đến, xuân về, cư dân vùng sông nước lại nô nức với những lễ hội đua thuyền truyền thống.
Làng Cự Nham, xã Quảng Nham nằm bên cửa Lạch Ghép, nơi mỏm đất nhô ra sát biển, vì thế còn có tên nôm gọi là cửa Mom. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội đua thuyền trên sông Yên - một “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân trong những ngày tết cổ truyền.
Theo ông Trần Nhân Tâm (sinh năm 1948), thành viên Ban Quản lý di tích lịch sử đền Phúc và Bia Tây Sơn, xã Quảng Nham, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Nhân dân trong vùng và du khách lại nô nức trẩy hội đền Phúc và Bia Tây Sơn, dâng hương cầu phúc, cầu tài dịp đầu xuân. Tại đây cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó ấn tượng nhất là lễ tế nữ quan, đánh cờ người đầu xuân và lễ xuống nước khai hội thi đua thuyền vào mùng 2 tết.
Theo đó, vào sáng mùng 2 tết, khi bình minh vừa ló rạng, mỗi đội đua có từ 20-21 người đã xuất phát về hướng sông Yên. Tất cả các đội đều có quá trình chuẩn bị chu đáo từ thuyền rồng, mái chèo cho tới những tay chèo khỏe mạnh và khéo léo nhất được tuyển chọn phần lớn là những trai tráng của 13 thôn trong xã. Các đội đua phải thi đấu vòng loại trong ngày mùng 2, mùng 3 tết, sau đó mới tới vòng chung kết vào mùng 5 tết. Những ngày này làng xóm rộn ràng, nhà nhà đông vui. Bà con làng trên, xóm dưới sắp xếp công việc cùng dòng người ở các xã đổ về, nào trống, nào cờ, trẻ, già, gái trai đủ cả, háo hức hò reo rộn ràng cả một vùng sông nước. Trong âm thanh rộn ràng mùa xuân ấy, những chiếc thuyền đua trên sông Yên rẽ sóng lao về phía trước mang theo ước vọng khởi đầu một năm mưa thuận, gió hòa và những chuyến ra khơi bội thu.
Từ một hoạt động truyền thống độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống của ngư dân vùng sông nước, đến nay lễ hội đua thuyền trên sông Yên ngày càng trở thành hoạt động văn hóa - thể thao có quy mô về số lượng, kinh phí, nhân lực...
Ông Trần Nhân Tâm chia sẻ: "Tất cả đều từ sự đóng góp của Nhân dân trong xã, trong huyện, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ với tình cảm hướng về quê hương. Đây là yếu tố làm nên sức sống của lễ hội đua thuyền, thể hiện tính gắn kết cộng đồng. Nhà nước cần cổ vũ, động viên, tổ chức các giải đua thuyền hàng năm với sự tham gia của các huyện, thị xã ven biển, những địa phương có truyền thống đua thuyền, từ đó thu hút lực lượng thanh niên tham gia vào những hoạt động thể thao lành mạnh, đề cao việc rèn luyện sức khỏe, tính tương trợ, đoàn kết của lớp thanh niên hiện đại. Đó cũng là cách để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi địa phương”.
Nếu như lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân xã Quảng Nham tưng bừng trên sông Yên, thì lễ hội đua thuyền của người dân xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) lại diễn ra hết sức đặc biệt khi được tổ chức tại Hồ Đình, thuộc Cụm di tích lịch sử - văn hóa làng Trù Ninh. Lễ hội có từ xa xưa, gắn với nghề chài lưới mưu sinh trên sông Tuần Ngu (hay còn gọi là sông Lạch Trường) gắn với câu chuyện về Bà Chúa Vót - người có công lao truyền nghề đan thuyền cho Nhân dân. Trải qua biến thiên của lịch sử, có thời gian lễ hội ngừng tổ chức. Từ năm 2002 đến nay, người dân xã Hoằng Đạt tổ chức đua thuyền vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán hằng năm. Đây là dịp để Nhân dân trong vùng thoải mái sau một năm lao động vất vả, có thể giao lưu, vui chơi, cỗ vũ cho lễ hội.
Sông nước xứ Thanh vào hội! Mỗi mùa lễ hội là thêm một mùa náo nức chờ đợi để hòa mình vào đời sống tinh thần và không gian văn hóa gần gũi mà đặc sắc của cư dân vùng sông nước.