Sóng ngầm tiền số: khi giới crypto lấn sân ngành ngân hàng Mỹ

Sự cởi mở chính sách dưới thời Tổng thống Trump đang thúc đẩy các công ty tiền điện tử Mỹ tìm cách hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính.

Tại Mỹ, nhiều công ty tiền điện tử đang đẩy nhanh quá trình mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng truyền thống, khi nhận thấy môi trường chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump trở nên cởi mở và thuận lợi hơn cho hoạt động của họ.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản số, các doanh nghiệp này đang chủ động tìm cách hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính chính thức.

Các tên tuổi lớn như Ripple, Circle và BitGo đã nộp đơn xin cấp giấy phép ngân hàng tín thác quốc gia, cho phép họ thực hiện các dịch vụ tài chính như lưu ký tài sản và xử lý thanh toán. Trong khi đó, sàn giao dịch tiền điện tử Kraken đang chuẩn bị phát hành thẻ ngân hàng vào cuối tháng này.

Arjun Sethi, đồng giám đốc điều hành của Kraken, cho rằng đây là bước phát triển tự nhiên của công ty, đồng thời cho biết kế hoạch ra mắt thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng đang trong giai đoạn hoàn tất.

Sự cởi mở chính sách dưới thời Tổng thống Trump đang thúc đẩy các công ty tiền điện tử Mỹ tìm cách hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính. Ảnh: shutterstock

Sự cởi mở chính sách dưới thời Tổng thống Trump đang thúc đẩy các công ty tiền điện tử Mỹ tìm cách hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính. Ảnh: shutterstock

Những diễn biến này cho thấy các công ty công nghệ tài chính đang có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động, với mục tiêu cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tài chính hơn cho người dùng.

Đồng thời, niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành tiền điện tử cũng gia tăng nhờ sự cởi mở của chính quyền Tổng thống Trump đối với lĩnh vực tài sản kỹ thuật số, điều mà họ cho là đã thiếu vắng trong nhiệm kỳ trước.

Circle, doanh nghiệp có trụ sở tại New York, khẳng định việc được Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ cấp phép ngân hàng quốc gia sẽ là bước đi quan trọng giúp tích hợp tài sản kỹ thuật số vào hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Hiện tại, Anchorage Digital là công ty duy nhất trong ngành từng được cấp loại giấy phép này.

Max Bonici, đối tác tại công ty luật Davis Wright Tremaine, nhận định sự thay đổi này rất đáng chú ý.

“Trước kia, nhiều công ty tiền điện tử từng tuyên bố họ không cần đến ngân hàng hay hệ thống pháp luật. Thế nhưng giờ đây, chính họ lại chủ động tìm kiếm sự quản lý chính thức từ phía cơ quan chức năng” - ông nói.

Mặc dù giấy phép ngân hàng tín thác quốc gia không cho phép cung cấp khoản vay hay nhận tiền gửi trực tiếp từ khách hàng, nhưng lại giúp doanh nghiệp tránh được quy trình xin phép riêng biệt tại từng bang.

Đồng thời, giấy phép này mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn quốc, tạo lợi thế đáng kể cho các công ty đang muốn mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ.

Bước đi này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ sắp thảo luận một dự luật quan trọng liên quan đến stablecoin - loại tài sản kỹ thuật số có giá trị gắn liền với các đồng tiền quốc gia như đồng USD.

Stablecoin đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giao dịch tiền điện tử và thanh toán quốc tế.

Adam Chernichaw, đối tác tại công ty luật Pillsbury, cho rằng nếu dự luật được thông qua, stablecoin sẽ có cơ hội mở rộng đáng kể trong thị trường tài chính Mỹ.

Dự luật Genius hiện đang được đề xuất sẽ áp đặt các quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu stablecoin phải được bảo đảm bằng trái phiếu kho bạc Mỹ.

Theo dự thảo này, chỉ các ngân hàng nằm dưới sự giám sát của cơ quan quản lý hoặc những tổ chức phi ngân hàng có giấy phép từ Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ mới được phép phát hành stablecoin.

Brad Garlinghouse, giám đốc điều hành Ripple, cho biết công ty đã nộp đơn xin mở tài khoản chính tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhằm giữ dự trữ stablecoin trực tiếp tại ngân hàng trung ương. Ông tin rằng việc này sẽ giúp tăng độ tin cậy và minh bạch cho sản phẩm của công ty.

Không chỉ các công ty chuyên về tiền điện tử, nhiều doanh nghiệp công nghệ tài chính khác cũng đang mở rộng vào lĩnh vực ngân hàng.

Robinhood, nền tảng môi giới chứng khoán với hơn một nửa doanh thu giao dịch đến từ tiền điện tử vào năm ngoái, có kế hoạch tung ra một loạt dịch vụ ngân hàng vào mùa Thu. Giám đốc điều hành Vlad Tenev khẳng định công ty này muốn trở thành đối tác tài chính toàn diện cho người dùng, từ tư vấn thuế, lập kế hoạch tài sản cho đến chuyển tiền.

Revolut, ngân hàng số đến từ Anh, cũng có tham vọng tương tự với kế hoạch dài hạn nhằm xin cấp phép hoạt động ngân hàng tại Mỹ.

Giám đốc điều hành của Klarna - một công ty đến từ Thụy Điển nổi tiếng với dịch vụ mua trước trả sau, Sebastian Siemiatkowski, công khai ý định chuyển hướng công ty thành một doanh nghiệp tiền điện tử trong tương lai.

Song song với sự mở rộng từ phía công ty công nghệ, các ngân hàng truyền thống cũng bắt đầu tham gia cuộc chơi. Bank of America đang xem xét phát hành stablecoin riêng sau khi khung pháp lý chính thức được hoàn thiện.

David Portilla, chuyên gia tại công ty luật Davis Polk, nhận định chính quyền hiện nay tỏ ra sẵn sàng cấp phép và hỗ trợ đổi mới hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng lựa chọn xin giấy phép ngân hàng để mở rộng hoạt động. Kraken, hiện đã sở hữu giấy phép tại bang Wyoming, đang phát triển một ứng dụng tài chính mới mà không cần đến giấy phép điều lệ hoặc tín thác quốc gia.

Ông Sethi cho biết công ty không có ý định trở thành một ngân hàng cung cấp dịch vụ thế chấp. Thay vào đó, Kraken sẽ hợp tác với các tổ chức uy tín, có năng lực chuyên môn, để triển khai dịch vụ một cách hiệu quả và tuân thủ quy định.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/song-ngam-tien-so-khi-gioi-crypto-lan-san-nganh-ngan-hang-my.768553.html
Zalo