Sống lại những năm tháng lịch sử qua chương trình nghệ thuật chính luận 'Khát vọng hòa bình'

Những năm tháng đấu tranh giành từng tấc đất quê hương, bám vào lòng đất mà giữ đất, dùng lời ca tiếng hát để gửi tình yêu quê hương tới những người bên kia giới tuyến, cảm hóa đối phương…, tất cả được tái hiện đầy cảm xúc trong chương trình nghệ thuật chính luận 'Khát vọng hòa bình'.

Ca sĩ Tùng Dương hát cùng các cựu chiến binh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ca sĩ Tùng Dương hát cùng các cựu chiến binh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chương trình do Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2024), 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva (21/7/1954-21/7/2024), diễn ra tối 16/8 tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Chương trình là một chuỗi những câu chuyện lịch sử được kể lại trên nền những tiết mục nghệ thuật trải dài trên sân khấu mở, từ kỳ đài cho đến cầu Hiền Lương.

Mở đầu chương trình là một lễ chào cờ thật đặc biệt: lễ chào cờ từ bờ nam sông Bến Hải, nơi người dân và các chiến sĩ quấn lá cờ giải phóng trên người, rưng rưng hướng về miền bắc. Tiết mục chào cờ khởi đầu từ một hoạt cảnh sân khấu, diễn ra trong tiếng hát trẻ nhỏ và được tiếp nối bởi dàn hợp ca hoành tráng, hào hùng, trên nền hình ảnh lá quốc kỳ tung bay phất phới, trên cây cầu Hiền Lương nối liền hai bờ nam bắc.

Ca sĩ Anh Thơ trình bày bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương".

Ca sĩ Anh Thơ trình bày bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương".

Bắt đầu từ tình yêu của đôi trai gái bị chia cắt sau khi Hiệp định Geneva xác định vĩ tuyến 17 là ranh giới hai miền, với lời hẹn “tháng sau, anh sẽ qua sông đón em về”. Lời hẹn ấy đã không thể thành hiện thực, con sông Bến Hải trở thành con sông chia cắt, còn vùng đất Vĩnh Linh trở thành vùng đất lịch sử, với sứ mệnh là tiền tuyến cho miền bắc và hậu phương cho miền nam. Tình yêu ấy đã trở thành biểu tượng khi được ca sĩ Anh Thơ thể hiện đầy da diết và cảm xúc qua bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, với nỗi niềm đau đáu của đôi vợ chồng người gác cây đèn biển chỉ biết ngóng về nhau qua chút ánh sáng xa xôi.

Trong những năm tháng chia cắt ấy, người bắc hướng về bờ nam và người nam hướng sang bờ bắc, họ vẫn có những cách trao đổi cho nhau những nỗi niềm, tình yêu, nỗi nhớ và niềm tin mãnh liệt vào một ngày thống nhất, nam bắc nối liền. Câu chuyện về tiếng hát NSND Châu Loan là một thí dụ tiêu biểu.

Bà là người con gái Tùng Luật, Vĩnh Giang, nơi sản sinh những giọng ca trời phú và cũng là một trong những nghệ sĩ đem đến cho người dân bờ nam, những người ở bên kia chiến tuyến những câu hò, những bài thơ quê hương, vừa khơi gợi nỗi nhớ quê, vừa thôi thúc những người cầm súng bên kia chiến tuyến quay đầu trở về với chính nghĩa…

Tiết mục “Giọng hò quê ta” đã đem đến sự xúc động cho khán giả khi giọng hát của cố NSND Châu Loan, được hòa âm cùng giọng hát của ca sĩ Huyền Trang.

Vở kịch ngắn “Chung một màu da”.

Vở kịch ngắn “Chung một màu da”.

Câu chuyện cảm hóa những người ở bên kia giới tuyến còn được kể lại qua vở kịch ngắn “Chung một màu da”, với những người lính của bờ nam được cảm hóa bởi lòng nhân ái, sự cương trực và tình yêu quê hương, yêu thương đồng bào của những người ở bờ bắc.

Hoạt cảnh “Bến đò anh hùng”.

Hoạt cảnh “Bến đò anh hùng”.

Từ những nỗi niềm chia cắt đó, mảnh đất Vĩnh Linh đã trở thành tiền tuyến của miền bắc và hậu phương cho miền nam. Biết bao xương máu đổ xuống trên mảnh đất này để đổi lấy hòa bình, thống nhất đất nước. Câu chuyện bến đò Tùng Luật chở bộ đội qua sông, chuyện “tiếp lửa” cho đảo Cồn Cỏ và “tiếp tên lửa” cho mặt trận Vĩnh Linh được kể qua các hoạt cảnh “Bến đò anh hùng” và “Đất đối không”.

Hoạt cảnh “Cuộc sống dưới lòng đất”.

Hoạt cảnh “Cuộc sống dưới lòng đất”.

Đó cũng là những năm tháng mà người dân Vĩnh Linh “bám đất, lùi sâu vào trong lòng đất mà sống”. Cuộc sống trong hầm thiếu thốn đủ thứ, thiếu cả ánh mặt trời được kể lại qua những thước phim tài liệu trích đoạn từ bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17 – Cuộc chiến tranh nhân dân” của đạo diễn người Hà Lan Joris Iven (năm 1968) cùng hoạt cảnh “Cuộc sống dưới lòng đất”.

Sân khấu được thiết kế thành những khoang hầm.

Sân khấu được thiết kế thành những khoang hầm.

Hoạt cảnh tái hiện sự sống sinh sôi trong lòng đất, tiếng học bài của trẻ thơ, những y tá, bác sĩ cứu thương, những người mẹ may cờ giải phóng, một lòng hướng về tiền tuyến với niềm tin mãnh liệt vào hòa bình.

Niềm tin vào chiến thắng, vào ngày thống nhất đất nước được thể hiện qua những ca khúc như “Bài ca hy vọng”, “Đất nước” do các ca sĩ Anh Thơ, Tùng Dương trình bày cùng hợp ca.

Cũng với niềm tin vào tương lai ấy mà kế hoạch K8, K10 đã được xây dựng và thực hiện một cách thần kỳ. K8, K10 là cuộc sơ tán trẻ nhỏ và người dân trong các năm 1966 và 1967 từ Vĩnh Linh ra các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh… Câu chuyện K8, K10 và quê hương thứ hai Tân Kỳ (Nghệ An) đã được kể lại trong vở kịch ngắn vui nhưng đầy xúc động “Chúng ta là người nhà”, với đại diện là đôi trai gái Vĩnh Linh-Tân Kỳ cùng chiến đấu chung một mặt trận.

Niềm vui chiến thắng.

Niềm vui chiến thắng.

Niềm tin chiến thắng đã trở thành sự thật, khi giọng phát thanh viên từ Đài tiếng nói vang lên báo tin chiến thắng. Các ca khúc “Giải phóng miền nam”, “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” đã mô tả lại những giây phút thiêng liêng hạnh phúc của dân tộc.

Các cựu chiến binh trên sân khấu.

Các cựu chiến binh trên sân khấu.

Đặc biệt, bài hát “Bài ca không quên” do Tùng Dương thể hiện đã gây xúc động mạnh mẽ khi nam ca sĩ cất giọng ca cùng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong. Những người lính năm xưa gặp nhau, trao nhau cái ôm mạnh mẽ, cất tiếng hát giữa những giọt nước mắt long lanh và những nụ cười hạnh phúc. Đó là hình ảnh mà mỗi khán giả đều nhớ mãi trong chương trình nghệ thuật.

Câu chuyện của Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm nay đứng lên, vượt qua mọi đổ nát hoang tàn để xây dựng lại và phát triển được kể lại qua những ca khúc trẻ trung. Đó là liên khúc “Vĩnh Linh – Kết nối và lan tỏa” với hai ca khúc “Anh có về Quảng Trị với em không”, “Quảng Trị ngày mới - Vĩnh Linh 4.0” và Tổ khúc “Giai điệu Tổ quốc-Giai điệu tự hào-Lá cờ” đầy tươi sáng và gần gũi với giới trẻ hôm nay.

Kể những câu chuyện lịch sử bằng những tiết mục nghệ thuật, chương trình nghệ thuật chính luận “Khát vọng hòa bình” đã vẽ lại một bức tranh Vĩnh Linh và Quảng Trị từ những năm tháng mưa bom bão đạn đến khi xây dựng và phát triển, để giới trẻ hôm nay thấy được sự hy sinh vô cùng lớn lao của các thế hệ đi trước và giá trị của hòa bình.

TUYẾT LOAN. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/song-lai-nhung-nam-thang-lich-su-qua-chuong-trinh-nghe-thuat-chinh-luan-khat-vong-hoa-binh-post825242.html
Zalo