Sống lại những khung dệt thổ cẩm của người Ba Na

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở các vùng cao nói chung và tại Bình Định nói riêng. Những sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc.

Những sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc

Những sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc

Đến thăm làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, chúng tôi có dịp gặp bà Đinh Thị Bung, một trong những thành viên của tổ dệt thổ cẩm ở làng.

Ngồi trong căn nhà sàn đơn sơ, bên cạnh khung dệt thổ cẩm, tay nhanh nhẹn điều khiển từng sợi chỉ, bà Bung chia sẻ: “Hiện tại, tại làng có trên 70 người biết dệt, nhưng dệt thường xuyên thì tầm 30 người. Những sản phẩm thổ cẩm không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, tài năng và giá trị tinh thần của người dân trong làng”.

Theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Trước đây, nguyên liệu chủ yếu là bông và sản phẩm thổ cẩm có ba màu chủ đạo là đỏ, đen và trắng.

Làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh vừa được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống

Làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh vừa được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống

Những màu sắc này có ý nghĩa tượng trưng cho các yếu tố trong tự nhiên, gắn liền với các giá trị văn hóa và tâm linh của người Ba Na. Ngày nay, việc chuyển từ bông sang len đã giúp quá trình dệt thổ cẩm trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời giúp đa dạng hóa màu sắc và hoa văn sản phẩm.

Còn bà Đinh Thị Đươi, làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh cho hay: “Đối với những nghệ nhân lành nghề, mỗi tháng chỉ làm được 1-2 bộ. Do vậy, tùy vào mức độ hoa văn trên các bộ sản phẩm và thời gian để tạo nên những bộ đồ thổ cẩm độc đáo, nên giá bán cũng khác nhau. Váy thổ cẩm dành cho nữ giá khoảng 3-4 triệu đồng mỗi bộ, áo nam đơn giản thì có giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi bộ."

Theo bà Đươi, nếu đầu ra của sản phẩm tốt, thu nhập của người dân từ nghề dệt sẽ được cải thiện. Từ đó, nhiều người sẽ gắn bó với với nghề hơn, làng nghề sẽ được hồi sinh mạnh mẽ.

“Nghề này là di sản của cha ông và chúng tôi phải nghĩ ra những hướng đi, hành động cụ thể để duy trì, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống”, bà Đươi bày tỏ và mong muốn sẵn sàng truyền đạt kiến thức cũng như kỹ năng cho thế hệ trẻ.

Trong những năm qua, các làng dệt thổ cẩm của người Ba Na ở các làng dệt Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện vân Canh; làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh; làng dệt xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn… đang từng bước khôi phục và phát triển, không chỉ nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân và mở rộng cơ hội phát triển du lịch tại địa phương.

Ngồi trong căn nhà sàn đơn sơ, bên cạnh khung dệt, bà Đinh Thị Bung nhanh nhẹn điều khiển từng sợi chỉ để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm độc đáo

Ngồi trong căn nhà sàn đơn sơ, bên cạnh khung dệt, bà Đinh Thị Bung nhanh nhẹn điều khiển từng sợi chỉ để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm độc đáo

Làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên được công nhận nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên” vào năm 2020, còn làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh vừa được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống.

Ông Lê Minh Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay: “Huyện đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.

Đề án bảo tồn và phát triển các làng nghề hiện đang được thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Điểm đặc biệt của Đề án là nhấn mạnh bảo tồn các giá trị lịch sử của nghề truyền thống và các chính sách đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Định cho biết: “Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như việc tổ chức các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tham gia, học hỏi và duy trì nghề truyền thống”.

Theo bà Thảo, việc mở các câu lạc bộ dệt thổ cẩm và các nhà đa năng không chỉ là nơi hành nghề mà còn là không gian để quảng bá, trưng bày và bán sản phẩm cho khách du lịch.

PHAN HIẾU

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/song-lai-nhung-khung-det-tho-cam-cua-nguoi-ba-na-127699.html
Zalo