Sống lại làng trầm, chấn hưng làng nghề

Làng Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam - một vùng quê ven dòng sông Thu Bồn, tưởng như đã lặng lẽ lùi vào quá khứ cùng với nghề trầm hương truyền thống, giờ đây đang dần lấy lại sức sống mới. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực của những thế hệ đi trước cùng lớp trẻ yêu nghề, làng nghề trầm hương đang hồi sinh mạnh mẽ.

Giữa tiết trời nắng nóng của miền Trung, ông Nguyễn Trường Bộ vẫn miệt mài với công việc điêu khắc trầm. Những cây trầm cảnh to bằng thân người, dưới bàn tay của ông đã dần thành hình, trở thành những cây trầm cảnh có giá hàng trăm triệu đồng.

Làm trầm cảnh là con đường giúp ông Bộ cũng như làng nghề trầm Trung Phước vượt qua giai đoạn khó khăn. Trên địa bàn huyện Nông Sơn hiện còn hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Trên chặng đường tiếp nối hành trình của cha ông, nhiều người đã nỗ lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để cho ra được những sản phẩm trầm hương giàu tính thẩm mỹ. Ông Hiển là một trong số đó. Xuất phát từ một người thầy giáo dạy cơ khí, ông đã tìm thấy chí hướng của mình trầm hương.

Để chủ động nguồn cung, những người trẻ nơi đây đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng cây dó bầu tạo nguồn cung trầm hương ổn định.

Với sự hỗ trợ của máy cắt CNC và laser, các sản phẩm làm ra ngày càng sáng tạo như bút, quạt, đồng hồ trầm hương, huy chương…. Điều này không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm mà còn mở ra cơ hội kinh tế mới cho làng nghề với nhiều sản phẩm OCOP.

Hôm nay, làng Trung Phước không chỉ hồi sinh làng nghề trầm hương mà còn mang lại sự phát triển thịnh vượng cho vùng quê bên dòng Thu Bồn. Một hành trình mới đầy hứa hẹn đã mở ra từ sự nỗ lực tiếp lửa nghề truyền thống của những trẻ tài năng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Phượng - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/song-lai-lang-tram-chan-hung-lang-nghe-240224.htm
Zalo