Sống lại ký ức về 'Con đường thống nhất'

Những hình ảnh, tư liệu về quá trình đấu tranh Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước được giới thiệu tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã đem đến sự xúc động, niềm tự hào về những lớp người đi trước, những con người đã làm nên lịch sử. Tại đây, công chúng còn được khám phá Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng công nghệ hiện đại.

Các đại biểu tham quan triển lãm Con đường thống nhất tại Hoàng thành Thăng Long.

Các đại biểu tham quan triển lãm Con đường thống nhất tại Hoàng thành Thăng Long.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010. Điều đặc biệt, nơi đây không chỉ có những di sản thời quân chủ phong kiến, mà còn là di tích đặc biệt quan trọng trong thời kỳ kháng chiến.

Năm 1967, khi bom đạn Mỹ đánh phá miền bắc ngày càng ác liệt, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, Thành cổ Hà Nội, được gọi là Nhà và hầm D67.

Từ tháng 9/1968 đến ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng. Đặc biệt, sáng 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng tại Nhà và hầm D67.

Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với quyết sách: Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975.

Nhà và hầm D67 được mệnh danh là Tổng hành dinh của kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong không khí cả nước phấn khởi hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tại chính khu Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức triển lãm “Con đường thống nhất” ngay tại khuôn viên Nhà và hầm D67.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, chúng ta có những con đường trên bộ, trên biển, con đường vận chuyển xăng dầu, ngoại tệ để phục vụ cho kháng chiến. Chúng ta có những con đường kháng chiến, do đó, triển lãm mang tên Con đường thống nhất hết sức ý nghĩa. Đây cũng là nguyện vọng lớn nhất khi sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến, chính tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long có di tích đặc biệt quan trọng là Nhà và hầm D67, nơi Trung ương ra những quyết định quan trọng nhất về cuộc kháng chiến. Do đó, đây cũng là di tích tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh”.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Hơn 200 tài liệu, hình ảnh được giới thiệu tập trung vào giai đoạn từ năm 1973 đến ngày giải phóng, được chia làm 3 chủ đề.

Trong đó, chủ đề thứ nhất có tên gọi Quyết định chiến lược của Tổng Hành dinh, giới thiệu tình hình cách mạng nước ta từ sau Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng, từ Tổng hành dinh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra chủ trương: Giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ đề thứ hai là "Một ngày bằng 20 năm", giới thiệu tóm tắt Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với nhịp độ “Một ngày bằng 20 năm”. Cuộc chiến đấu của ta phát triển với tốc độ “thần tốc” với liên tiếp các thắng lợi từ các chiến trường: Đường 14 - Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên Huế, Đà Nẵng…

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tri ân những cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tri ân những cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ.

Phần được nhiều người quan tâm nhất là chủ đề Tiến về Sài Gòn. Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị chỉ đạo toàn quân, toàn dân bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, mở cuộc tổng công kích, tiến về giải phóng Sài Gòn.

Để rồi vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Có mặt trong triển lãm, Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34), người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thắng lợi hoàn toàn về ta nên chúng tôi vô cùng vui mừng, xúc động. Đồng đội của tôi có người đã sáng tác ngay một bài hát trong ngày hôm đó để hôm sau hát mừng chiến thắng. Trong ngày vui hôm nay, tôi được sống lại những khoảnh khắc hào hùng ấy, nhưng cũng rất xúc động khi nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống ngay trước thềm thống nhất, độc lập".

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng bước đầu triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67”, tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu, bổ sung tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng nội dung đa phương tiện và phim 3D giới thiệu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn di tích Nhà và hầm D67… Qua đó, để công chúng hiểu thêm về giá trị của Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến dưới những hình thức sáng tạo.

Trong thời gian thực hiện đề án, câu chuyện “Nhà và Hầm D67, hành trình đến ngày toàn thắng” sẽ được diễn giải bằng công nghệ hiện đại, góp phần lưu giữ và tôn vinh giá trị di tích, đem đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và hấp dẫn.

Mở cửa từ nay đến hết ngày 31/5, triển lãm sẽ là địa chỉ được nhiều người lựa chọn để tham quan trong dịp kỷ niệm và cũng là kỳ nghỉ lễ sắp tới.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/song-lai-ky-uc-ve-con-duong-thong-nhat-post875816.html
Zalo