'Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình'
Nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Dũng (SN 1967, trú tại 85/17 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) đã trở thành người dạy thư pháp cho trẻ mồ côi, bị câm điếc, tự kỷ… để các em tự tin vươn lên trong cuộc sống. Ông rất tâm đắc với câu thơ của Tố Hữu: 'Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình'.
Cơ duyên với thư pháp
10 năm về trước, trong một lần dạo chơi trên đường Nguyễn Tất Thành, ông Trần Ngọc Dũng đã bị thu hút bởi những bức thư pháp trưng bày tại một sự kiện. Chính từ khoảnh khắc đó, không ai có thể ngờ một người làm nghề lái xe như ông Dũng lại bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, học cách sử dụng bút nghiên, giấy, mực, ấn triện ở độ tuổi 47.
Như một người nông dân tự mình khai khẩn mảnh đất hoang sơ, ông Dũng tự mày mò tìm kiếm thông tin trên internet. Mỗi khi đi công tác ở các tỉnh, thành phố, ông đều tranh thủ thời gian tìm đến những phòng thư pháp, gặp gỡ những người viết thư pháp nổi tiếng để học hỏi. Ông Dũng mày mò học cách cầm bút, tìm hiểu về chất liệu, dụng cụ, bố cục trình bày.
Hồi nhớ về những ngày đầu bỡ ngỡ học viết thư pháp, ông Dũng chia sẻ: “Người viết thư pháp mà tôi tiếp xúc đầu tiên tại Pleiku là ông Lê Bình. Hiện ông Bình đã chuyển về Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Khi học viết thư pháp, người viết phải am hiểu về chất liệu, sử dụng dụng cụ phù hợp, trình độ tới đâu thì sẽ sử dụng cây bút tương ứng đến đó. Tuy nhiên, lúc ấy, tôi cứ thấy gì mua nấy, về không sử dụng được nên tốn kém khá nhiều”.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại trên con đường học viết thư pháp, song ông Dũng không hề nản lòng, sai ở đâu thì tự rút kinh nghiệm, tích lũy kiến thức để bước tiếp. Miệt mài luyện tập để thuần thục kỹ thuật vận bút vững, khởi bút, hoành bút; rồi cả hồi bút cũng phải nhịp nhàng, thể hiện đúng ý đồ và bố cục. Tiếp đến là tập trung bồi bổ bút lực để mỗi câu chữ thể hiện được thần thái, ý nghĩa, hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ.

Nghệ sĩ thư pháp Trần Ngọc Dũng trình diễn thư pháp tại một sự kiện triển lãm. Ảnh: NVCC
Lúc bắt đầu học viết thư pháp, ông Dũng chỉ nghĩ đơn giản “thư pháp có thể giúp mình kiếm được tiền”. Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu về thế giới nghệ thuật thư pháp, ông hiểu rằng, đây là một hành trình dài học hỏi, luyện tập nghiêm túc để tự thay đổi thế giới quan của chính mình.
Từ một người học viết thư pháp, ông Dũng từng bước chuyển sang lĩnh vực thư họa; không ngại luyện tập, thử thách khả năng sáng tạo kết hợp giữa câu chữ và hình ảnh qua các thể loại, phong cách, màu sắc, chất liệu khác nhau để làm nổi bật giá trị nghệ thuật thư pháp truyền thống.
Trong căn phòng nhỏ xíu chất đầy các tác phẩm thư pháp, thư họa, dụng cụ, màu vẽ, bảng vẽ... ông Dũng hào hứng chia sẻ những tác phẩm, vật phẩm ý nghĩa mà mình sở hữu qua 10 năm gắn bó với thư pháp. Ông còn cẩn thận mở cuộn thư pháp lưu dấu chữ ký và mộc đỏ của rất nhiều nghệ sĩ thư pháp nổi tiếng tại Việt Nam mà ông có duyên gặp gỡ.
Chỉ vào từng vị trí chữ ký, ông Dũng giới thiệu về vai trò, dấu ấn cá nhân, phong cách nổi bật của mỗi nghệ sĩ trong giới thư pháp hiện nay. “Mỗi tác phẩm thư pháp luôn hàm chứa bên trong một câu chuyện. Nhờ bước vào cánh cửa thư pháp mà tôi mới có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với những thư pháp gia có tên tuổi”-ông Dũng khẳng định

Nghệ sĩ thư pháp Trần Ngọc Dũng trong không gian sáng tạo nghệ thuật cá nhân tại nhà. Ảnh: S.C
Các tác phẩm thư pháp, thư họa mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Dũng được những người trong giới định danh là “phong cách già làng Tây Nguyên”. Theo đuổi phong cách diễn đạt theo lối viên bút, những nét chữ của ông Dũng vừa có thần, vừa có uy lực mạnh mẽ nhưng đồng thời đan xen các đường nét đầy cảm xúc. Từ bố cục đến nội dung tổng thể được thể hiện một cách uyển chuyển, linh hoạt để tác phẩm hội đủ các yếu tố thần-ý-trí-khí.
Những năm gần đây, ông Dũng được các đơn vị, tổ chức, câu lạc bộ tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành mời tham gia chương trình giao lưu, triển lãm thư pháp.
Sống là cho, đâu chỉ nhận
Thư pháp là môn nghệ thuật truyền thống mang đậm giá trị chân-thiện-mỹ. Từ một người học viết thư pháp, ông Dũng đã trở thành người thầy dạy cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không may bị khiếm thính, tự kỷ, mồ côi.
Kể về nhân duyên kết nối thư pháp với các em, ông Dũng cho hay: “Vào một dịp lái xe đưa đoàn công tác đến thăm một cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, bỗng dưng trong tôi bật lên ý nghĩ dạy thư pháp cho các em nhỏ để chúng có thể mưu sinh nhờ môn nghệ thuật này”.
Nghĩ là làm, ông Dũng chủ động liên hệ mở lớp thư pháp miễn phí dành cho trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh khó khăn tại Mái ấm Thiên Ân, Mái ấm Sao Mai, Tịnh xá Ngọc Cổ. Gần đây nhất là lớp thư pháp An Yên dành cho các em bị câm điếc, tự kỷ.
Giữa cái nắng gay gắt của tháng 4, lớp thư pháp An Yên (62 Ngô Thì Nhậm, TP. Pleiku) chỉ có tiếng quạt máy quay đều, dù bên trong cả thầy và trò hơn 10 người. Các em học sinh đang tập trung luyện viết theo đề mẫu của thầy Dũng, thỉnh thoảng đưa tay làm động tác để trao đổi với bạn, với thầy trong yên lặng.
Theo dõi quá trình luyện tập thư pháp của lớp, đôi mắt ông Dũng ánh lên niềm yêu thương trìu mến. “Tôi rất mừng khi thấy các em biểu lộ cảm xúc hào hứng chờ đợi đến ngày học, tập trung luyện tập bài mới. Một số em tiếp thu rất nhanh, nắm vững kỹ thuật cơ bản chỉ sau 1 năm học. Nổi bật là em Ngô Từ Vi (SN 1993) vừa học, vừa trợ giúp cho các em khác. Dịp Tết vừa qua, em Vi đã bán được 4 bức thư pháp và kiếm thêm thu nhập bằng việc trang trí dưa hấu”-ông Dũng thông tin.

Em Huỳnh Anh Thư (bìa trái) và Ngô Từ Vi cùng hoàn thành bức thư họa thủy mặc. Ảnh: S.C
Thư pháp đã mở ra một cánh cửa khác về ngôn ngữ, giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt kết nối với thế giới, tìm thấy được ước mơ. Đơn cử như trường hợp của em Huỳnh Anh Thư-Học viên lớp thư pháp An Yên. Kể từ khi chứng kiến thầy Dũng biểu diễn kỹ năng vẽ tranh thủy mặc, hoàn thành tác phẩm chỉ trong vài nét vẽ, Thư đã dành toàn bộ thời gian để luyện vẽ tranh thủy mặc.
Vì chủ đề yêu thích nhất là hoa nên Thư say mê nghiên cứu, tìm hiểu, luyện vẽ các loại hoa. Chỉ tay về phía bức vẽ hoa sen theo phong cách tranh thủy mặc, Thư bày tỏ: “Em muốn trở thành người vẽ thư pháp phong cách thủy mặc giỏi giống thầy Dũng”.
Tại Gia Lai, lớp thư pháp An Yên là lớp học đầu tiên dành cho các em bị câm, điếc, tự kỷ. 10 em học sinh của lớp cũng chính là những hạt mầm thiện lành mà ông Dũng và các cộng sự đang tận tâm gieo trồng, chăm sóc. Hiện nay, các em đang tập trung luyện tập, thực hiện 10 tác phẩm thư pháp để tham gia sự kiện triển lãm nghệ thuật thư pháp sắp tới tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai).

Các em học sinh lớp thư pháp An Yên đang tập trung luyện chữ. Ảnh: S.C
Nhằm lan tỏa nghệ thuật thư pháp đến với mọi người, mọi đối tượng, ông Dũng đã mở nhiều lớp dạy thư pháp, tham gia thành lập Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku. Đồng thời, ông hỗ trợ, tạo điều kiện cho học trò tham gia các triển lãm, thực hiện công việc liên quan đến nghệ thuật thư pháp như: vẽ tranh, trang trí lớp học, gian hàng, hội chợ…
Em Huỳnh Lương Phương Trúc (SN 2010, thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã theo học lớp thư pháp tại tịnh xá Ngọc Cổ từ năm 2020 đến nay. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mẹ Trúc luôn động viên con theo học thư pháp. Sau 5 năm rèn luyện, Trúc đã có một số tác phẩm được thầy giới thiệu tham gia các sự kiện, kiếm thêm thu nhập để phụ giúp mẹ.
Trúc bày tỏ: “Thư pháp là một phần trong tương lai của em. Ước mơ của em là trở thành một người viết thư pháp có màu sắc riêng và mở một lớp thư pháp cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này”.
Mặc dù vẻ ngoài đậm chất phong trần, mạnh mẽ nhưng khi nhắc đến nghệ thuật thư pháp và các em học trò nhỏ đặc biệt của mình, ông Dũng luôn dịu lại: “Mỗi lần đi dạy, thấy các em mong chờ thầy đến để được học những điều mới mẻ là tôi thấy vui lắm. Qua các lớp học thư pháp, các em lại dạy cho tôi giá trị thực hành sâu sắc những câu chữ, bởi như nhà thơ Tố Hữu từng viết: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.