Sông Đáy thuở xưa
Mỗi lần nghe những giai điệu da diết chứa chan tình quê của người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp, trong tôi lại trào dâng niềm thương nhớ dòng sông tuổi thơ quê mình: 'Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà'… Có lẽ đúng là vậy, không chỉ riêng tôi mà trong trái tim mỗi người, ai cũng có một dòng sông để thương, để nhớ.
Xuôi dòng sông Đáy mộng mơ
Quê tôi nằm mãi nơi hạ lưu dòng sông Đáy. Dòng sông có chiều dài khoảng 240km và chảy qua các tỉnh thành khu vực miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Kéo dài miên man là vậy nhưng bắt đầu từ đoạn hạ nguồn là thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) sông dường như êm đềm, thong thả hơn.
Cũng bởi dòng sông trôi nhẹ nhàng, êm ả nên cảnh vật hai bên bờ cũng vì thế thơ mộng và đẹp. Chẳng thế mà, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng dành cho sông Đáy sự ưu ái đặc biệt. Trong thơ ông, sông Đáy đã gieo không ít những nỗi nhớ da diết, đó là hình bóng quê hương, là hình bóng mẹ: “Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Chợt nhớ áo em tuột rơi trên bến vắng một trăng xưa/ Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi…”.
Không chỉ được phác họa qua những vần thơ của Nguyễn Quang Thiều, trong sáng tác của những người nhạc sĩ, sông Đáy cũng hiển hiện đẹp đẽ không kém. Nhạc sĩ Đoàn Bổng tài hoa cũng giành nhiều mỹ từ cho dòng sông này: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa...”.
Ví như vậy cũng chẳng ngoa bởi trải khắp hai bên bờ sông đều rợp bóng tre xanh. Bình minh lên cùng với những tiếng hót đầu tiên của những chú chim đã đánh thức ánh sáng chiếu soi vạn vật. Mặt trời soi ánh sáng ấm áp xuống mặt sông làm sông như một dải lụa đào vắt ngang qua cánh đồng. Không chỉ vậy, hai bên bờ sông là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Điểm xuyến thêm trong bức tranh đẹp đẽ ấy là những rặng cây um tùm đan xen, hàng tre xanh mướt. Trông sông lúc bình minh giống như một chiếc gương phẳng lặng soi bóng ngôi nhà, hàng cây, vườn tược…
Tôi nhớ mãi những ngày thuở nhỏ, trong buổi trưa hè tôi và đám bạn thân lại bày trò trốn ngủ để thơ thẩn ra sông câu cá hay tắm mát. Những khi ấy, sông ôm chúng tôi vào lòng như người mẹ ôm những đứa trẻ hồn nhiên, vui tươi, nghịch ngợm. Còn chúng tôi, hồn nhiên gieo vào sông những tiếng cười giòn tan, vô lo, vô nghĩ.
Nhẩn nha lặng ngắm dòng sông trôi qua bốn mùa có lẽ là điều tôi thích hơn cả. Nơi ấy, mùa xuân mang theo những cơn mưa phùn rả rích. Mưa gieo mầm ấm xuống mặt đất làm sông và muôn cây tràn đầy sức sống mới. Mùa hạ đến, khi những trái cây chín mọng trong vườn đang chờ người tới hái.
Khi những chiếc lá không còn xanh cũng là lúc báo hiệu cho biết rằng mùa thu đã đến. Thu đến, các loài cây trút bớt những tán lá vàng để lấy chỗ cho những chiếc lá mới. Dòng sông nước đỏ hồng khi ấy không còn chảy mạnh nữa mà chỉ gợn sóng lăn tăn. Mùa đông, các loài cây cành lá xơ xác, trơ trụi như bàn tay gầy guộc của mẹ tần tảo nuôi tôi khôn lớn, dòng sông không gợn sóng nữa mà lững lờ trôi…
Dòng sông ươm mầm trù phú
Sông Đáy không chỉ đẹp mà còn sản sinh ra không ít làng nghề trù phú. Làng Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một nơi như vậy. Nghề lụa có thời đã khiến cả khúc sông Đáy này nhộn nhịp. Qua biến thiên của thời gian, giờ nơi đây vẫn phảng phất tiếng thoi đưa. Có chăng điều khác lạ là tiếng thoi dường như gấp gáp hơn vì dệt máy và thành phẩm không chỉ có lụa tơ mà phần lớn là khăn mặt bông. Ngõ làng đã lát, chợ đã xây cầu, bờ sông bên làng đã kè đá… người Phùng Xá vẫn hồn hậu như xưa nhưng làng Phùng Xá đã khác đến từng nếp nhà.
Ngõ cận sông, nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận thường đông khách - có khi đông khách nhất làng. Người phụ nữ có dòng dõi mấy đời tằm tang này đã thu hút bao người bởi những tấm lụa tơ tằm đẹp như nắng trời, mềm như cánh hoa với những sắc màu của thiên nhiên tụ lại. Con trẻ trong làng cũng được học nghề và làm không hết việc. Thuở niên thiếu ấy, bà Thuận còn thấy người làng đem lụa ra sông để giặt, phía nương bãi xanh thẫm một màu xanh của cây dâu.
Đẹp đẽ là vậy, thế nhưng dường như sự thơ mộng của sông chỉ còn là dĩ vãng. Sông Đáy hiện có không ít đoạn dần bị thu hẹp. Phía thượng nguồn nằm mãi trên mạn Phúc Thọ đã bị bồi lấp theo thời gian. Có đoạn xuôi về hạ nguồn, nước sông đã dần chuyển màu. Trên những khúc sông ấy, các loại cá chép, trôi, trắm, thờn bơn, bống, rồi trai, hến cũng chẳng thể sống nổi.
Tôi từng chứng kiến người ta vứt đủ thứ xuống sông trước nhà họ, túi ni lông, các loại rác, xác súc vật, vỏ chai lọ, kim tiêm, quần áo rách... Vào một số ngày lễ trong năm đặc biệt vào ngày Tết ông Công, ông Táo, hàng trăm người ra sông phóng sinh cá và thả luôn những chiếc túi ni lông đựng cá xuống sông. Làm lễ phóng sinh để cầu những điều tốt lành cho mình nhưng lại gián tiếp giết chết những điều tốt lành ấy. Bởi một trong những điều tốt lành là đến từ một môi trường sạch sẽ.
Sẽ mãi là "sông trăng, sông lụa"
Thấy tôi tần ngần đứng trên cầu Tế Tiêu đoạn đi qua huyện Mỹ Đức để trông về phía dòng sông lững lờ tìm đến đất Hà Nam, anh Phạm Công Bằng (sinh năm 1976) - một Nghệ nhân Ưu tú trẻ và hiện đang đảm nhiệm cương vị Trưởng phường rối Tế Tiêu bảo, con sông êm dịu này là ký ức bồi lắng nên tuổi thơ anh. Đó là những ngày cùng đám bạn mải miết chơi bên ruộng ngô ngoài bãi sông. Là nơi bến sông có cảnh người làng tấp nập mỗi sáng sớm.
Sông với anh Bằng không chỉ đơn thuần là bến tắm giặt, mà còn là nơi gột rửa mọi bụi bặm từ quần áo, chăn màn, xoong nồi, cơ thể con người… Nơi mà cũng có thể nảy sinh tình yêu. Có đận, sông Đáy còn thơ mộng đến mức phủ đầy màu xanh tươi của hoa cải. Cả một triền sông được phủ vàng, hoa cải rung rinh trong gió. Nghe chuyện của anh Bằng, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng.
Thế rồi anh Bằng giới thiệu, dòng sông thơ mộng cũng chính là nơi phường rối Tế Tiêu của thị trấn Đại Nghĩa phát triển bền bỉ. Một điểm đặc sắc của rối cạn Tế Tiêu mà ít nơi nào có được đó là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các thành phần khác nhau như sân khấu, quân rối, trò và tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại... Để điều khiển con rối một cách tròn vai, nghệ nhân phải thật khéo, hóa thân vào nhân vật và có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau. Không chỉ vậy, nhạc cụ phục vụ các tích trò rối cạn Tế Tiêu cũng thuần Việt với nhị, đàn tam, trống cái, trống con, não bạt...
Lời hát trong sân khấu múa rối cạn Tế Tiêu không chỉ là các làn điệu dân ca, hát nói, hát ngâm mà còn được chắt lọc từ nhiều thể loại kịch hát dân tộc gồm tuồng chèo, hát văn, quan họ. Cùng đó, sân khấu rối cạn có thể cố định dưới dạng thủy đình hoặc sân khấu di động để phục vụ việc lưu diễn của phường rối ở bất cứ đâu.
Tôi nhìn sông Đáy thật mỹ lệ trước ánh hoàng hôn rơi xuống. Trong tâm hồn tôi, sông Đáy là con sông đẹp nhất trong mọi con sông trên thế gian. Tôi thầm nghĩ, sẽ có một ngày sông Đáy sẽ sống lại. Nơi con sông hiền hòa sẽ ăm ắp cá tôm và những đứa trẻ của mai sau sẽ vẫn thỏa thuê được đằm mình trong làn nước mát lành ấy.