Sơn Tùng M-TP: Hành trình tự lực và bài học từ tinh thần Phật giáo

Kinh Pháp Cú dạy: 'Thắng mình hơn thắng người, đó là chiến thắng tối thượng'. Không chạy theo sự cạnh tranh, Sơn Tùng tập trung vào việc vượt qua giới hạn bản thân, sáng tạo và làm mới chính mình, từ đó đạt những thành tựu xứng đáng.

Sơn Tùng M-TP - biểu tượng âm nhạc đương đại của Việt Nam - không chỉ là nghệ sĩ tài năng mà còn là nguồn cảm hứng về sự nỗ lực, tinh thần tự lực và lòng từ bi. Đặt hành trình của anh dưới góc nhìn Phật giáo, ta thấy rõ những giá trị nhân văn sâu sắc.

Tự lực cánh sinh: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”

Sơn Tùng xuất thân từ Thái Bình, vùng quê bình dị nhưng không thiếu ý chí. Từng bước, anh tự mình xây dựng sự nghiệp: từ việc sáng tác, biểu diễn, đến quản lý công ty riêng – M-TP Entertainment.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Anh từng nói: “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, phải chịu cảm giác không ai chịu được”.

Tinh thần tự lực này gợi nhắc lời dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, nương tựa nơi chính mình, chớ nương tựa vào một ai khác”.

Bằng sự kiên trì và lòng tin vào bản thân, Sơn Tùng đã biến thử thách thành cơ hội, trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ về lòng tự tin và khả năng vượt khó.

Buông xả thị phi: Đón nhận với tâm bình thản

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Dường như, thành công của Sơn Tùng luôn đi kèm với thị phi. Anh từng đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề về nghi án đạo nhạc hay phong cách trình diễn. Nhưng thay vì phản ứng gay gắt, anh giữ thái độ bình tĩnh, chọn cách trả lời bằng âm nhạc và những dự án sáng tạo mới.

Kinh Pháp Cú dạy rằng: “Không phải vì người mắng nhiếc mà ta sân hận, khi người mắng nhiếc mà ta không sân hận, như vậy, ta đã chiến thắng”.

Sơn Tùng đã khéo léo hiệu dụng nghệ thuật buông xả, không bị cuốn theo những điều tiêu cực, thay vào đó tập trung vào mục tiêu lớn lao hơn.

Sáng tạo không ngừng: Tinh thần vô thường

Những sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng luôn đổi mới, mang màu sắc riêng biệt và phù hợp với xu hướng hiện đại. Từ "Cơn mưa ngang qua" đến "Chúng ta của hiện tại" hay "Hãy trao cho anh", cho thấy anh không ngừng thử nghiệm để tạo ra những giá trị mới.

Tinh thần này nhiều phần thể hiện triết lý vô thường trong Phật giáo: mọi sự vật đều thay đổi và sự thích nghi là chìa khóa để tiến xa hơn.

Kinh Pháp Cú dạy: "Thắng mình hơn thắng người, đó là chiến thắng tối thượng". Không chạy theo sự cạnh tranh, Sơn Tùng tập trung vào việc vượt qua giới hạn bản thân, sáng tạo và làm mới chính mình, từ đó đạt những thành tựu xứng đáng.

Lan tỏa tâm từ bi qua nghệ thuật

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Âm nhạc của Sơn Tùng không chỉ giải trí mà còn lan tỏa thông điệp tích cực về tình yêu và hy vọng. Nơi này có anh, Chúng ta của hiện tại hay Âm thầm bên em đều chạm đến cảm xúc khán giả, khuyến khích sống chân thành và biết trân trọng từng khoảnh khắc.

Hành động của anh giống như tinh thần từ bi trong Phật giáo - lan tỏa yêu thương để giảm bớt khổ đau và mang đến niềm vui cho cuộc đời.

Hành trình của Sơn Tùng gợi liên tưởng đến:

Thái tử Tất Đạt Đa: Vượt qua khó khăn để đạt được giác ngộ, như cách Sơn Tùng vượt thử thách để thành công, ở đây là 2 phạm trù khác xa nhau - không thể so sánh cùng nhau, nhưng là một sự liên tưởng trong cuộc đời và sự nỗ lực.

Kiều Đàm Di mẫu: Chịu đựng định kiến khi xin gia nhập Tăng đoàn, tương tự cách Sơn Tùng đối mặt với áp lực và chỉ trích từ dư luận.

Từ âm nhạc đến giá trị nhân văn

Sơn Tùng M-TP không chỉ là nghệ sĩ tài năng mà còn là hình mẫu sống động cho tinh thần tự lực, sức sáng tạo và lòng từ bi. Hành trình của anh phản ánh lời dạy của đức Phật: “Hãy làm những điều thiện, chớ làm những điều ác, hãy làm tâm ý trong sạch”.

Anh đã mang đến không chỉ âm nhạc mà còn cả những giá trị nhân văn, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Tác giả: Thường Nguyên

Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách hành văn và lập luận của tác giả.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/son-tung-m-tp-hanh-trinh-tu-luc-va-bai-hoc-tu-tinh-than-phat-giao.html
Zalo