Sơn Tịnh: Hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, người dân trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trao “cần câu” cho hộ nghèo

Năm 2023, Nhà nước thực hiện hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản tại 6 xã: Tịnh Đông, Tịnh Hiệp, Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Minh và Tịnh Bắc, với 92 hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò cái giống.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ Nguyễn Thành Vy cho biết, ngay khi được đầu tư nguồn vốn, xã Tịnh Thọ đã triển khai đến các thôn để lựa chọn hộ gia đình đủ điều kiện tham gia dự án. Trong đó, dự án hỗ trợ giống bò sinh sản cho các hộ gia đình nuôi theo hình thức bán chăn thả đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của người dân. Dự án được triển khai tới 21 hộ dân của xã; trong đó, 16 hộ được hỗ trợ giống bò khi triển khai dự án, 5 hộ dự kiến quay vòng khi kết thúc dự án. Nhà nước hỗ trợ 55,1% và người dân đối ứng 44,9% tổng kinh phí thực hiện dự án. Các hộ dân cam kết thực hiện đóng góp quay vòng một phần kinh phí hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng là 15% tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ. Trong vòng 3 năm, các hộ dân phải cam kết không được bán con giống.

Bà Võ Thị Được, ở thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), chăm sóc bò giống được hỗ trợ.

Bà Võ Thị Được, ở thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), chăm sóc bò giống được hỗ trợ.

Gia đình bà Võ Thị Được, ở thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ mới thoát nghèo vào cuối năm 2022, dẫu vậy cuộc sống vẫn còn khó khăn, thu nhập không ổn định. Khi Nhà nước cấp bò giống để nuôi, bà Được rất vui mừng và cố gắng chăm sóc để làm vốn liếng sau này. Việc chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện tại địa phương, thức ăn cho bò dễ kiếm nên chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể. Bà Được bày tỏ, được Nhà nước hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, tôi đã tiêm phòng đầy đủ cho bò, tạo nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để bò có điều kiện phát triển khỏe mạnh.

Cũng như bà Được, bà Lê Thị Hà Công, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình được Nhà nước hỗ trợ dự án chăn nuôi bò từ tháng 10/2023. Bà Công thuộc diện hộ nghèo của xã, hoàn cảnh neo đơn, lại bị bệnh nên cuộc sống khó khăn. Bà Công chia sẻ, con bò là tài sản vô cùng lớn đối với tôi và các hộ nghèo được thụ hưởng từ mô hình sinh kế này. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng, chống dịch nên bò phát triển tốt và đến kỳ sinh sản. Tôi hy vọng bò sớm sinh sản ra bê cái để tôi có thêm động lực phát triển kinh tế. Ngoài nuôi bò, bà Công còn trồng bắp, mì và dành một phần đất trồng cỏ cho bò. Trong vườn, bà Công cũng nuôi thêm gà để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Huyện Sơn Tịnh phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,03% (tương đương số hộ nghèo giảm còn 299 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 1,45% (tương đương số hộ cận nghèo giảm còn 419 hộ), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình Bạch Đông Vỹ cho hay, khi dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được phổ biến rộng rãi, địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết và vận động nhân dân tham gia. Đồng thời, tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ chưa được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác; sau đó, thông báo công khai điều kiện để được hỗ trợ. Qua đó, nhiều hộ nghèo trong xã đã chủ động cải tạo khu vực chăn nuôi, chuồng trại để đáp ứng điều kiện hỗ trợ từ dự án. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương.

Trong quá trình triển khai dự án chăn nuôi bò, cơ quan chuyên môn thường xuyên đồng hành, hỗ trợ người dân về khoa học - kỹ thuật để việc chăn nuôi hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò... Đặc biệt, người dân được cán bộ hướng dẫn trữ rơm, ủ phân, sử dụng phân bón cho cây lúa, hoa màu.

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Năm 2023, huyện Sơn Tịnh được phân bổ hơn 5,1 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 4,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 465 triệu đồng, ngân sách huyện 225 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án, nhất là dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được huyện bố trí kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 1,71% cuối năm 2022 giảm còn 1,41% vào cuối năm 2023. Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn huyện từ 3,4% cuối năm 2022 giảm xuống còn 2,85% vào cuối năm 2023.

Bà Lê Thị Hà Công, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), nuôi gà để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Bà Lê Thị Hà Công, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), nuôi gà để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Không chỉ là hướng đi đúng giúp các hộ cận nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, việc hỗ trợ con giống cho người dân cũng góp phần chủ động con giống, đáp ứng nhu cầu tại địa phương, góp phần sử dụng hiệu quả lao động nông nhàn gắn với việc chăn nuôi tận dụng sản phẩm phụ trong sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tịnh Lê Quế Anh, thực hiện công tác giảm nghèo, phòng đã phối hợp với UBND các xã tập trung rà soát, phân loại hộ nghèo kỹ lưỡng, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo cũng như nguồn lực có thể thoát nghèo của từng hộ, nhóm hộ. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, dạy nghề... cho các hộ tham gia dự án. Định kỳ phân công cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án để đánh giá tiến độ, chất lượng của dự án. Phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến dự án, đảm bảo các mô hình triển khai đều đạt hiệu quả.

Để thực hiện công tác giảm nghèo ngày càng tốt hơn, năm 2024, huyện Sơn Tịnh đẩy mạnh phong trào thi đua giảm nghèo bền vững. Từ nguồn kinh phí thực hiện dự án, ngoài hỗ trợ chăn nuôi bò, huyện Sơn Tịnh còn hỗ trợ 40 con heo móng cái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Tịnh Hà. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Lê Văn Thảo cho rằng, việc triển khai thực hiện các dự án từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, tại huyện Sơn Tịnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp cho nhiều người nghèo được tiếp cận các chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2025, Sơn Tịnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo. Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt lớn, tạo động lực phát triển một cách bền vững. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn huyện; yêu cầu thành viên ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và cấp xã tích cực, chủ động đi cơ sở để kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Bài, ảnh: TRÍ ANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-son-tinh/202408/son-tinh-ho-tro-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung-371144a/
Zalo