Son sắt U Minh

15 năm trước, do yêu cầu công việc, chúng tôi cùng đoàn làm phim ở TP Hồ Chí Minh về ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để tìm gia đình ông Út Thuần. Ngày ấy, vùng đất này còn rất nhiều khó khăn. Giờ trở lại nơi đây, trước mắt chúng tôi là một vùng nông thôn mới khang trang, trù phú. Đặc biệt, người dân U Minh vẫn luôn son sắt một lòng với Đảng, với cách mạng...

Ông Danh Hoài Riêm, Trưởng ấp 6 rất vui khi nhận ra chúng tôi. Ông phấn khởi cho biết: “Ấp 6 ngày nay không chỉ có hạ tầng khang trang mà đời sống nhân dân cũng khấm khá lắm, nhất là đồng bào dân tộc Khmer...”.

Ông Út Thuần mà 15 năm trước chúng tôi cất công đi tìm là Đỗ Minh Thuần, sinh năm 1961. Ông Út Thuần là con trai út của ông Đỗ Văn Biện (Ba Biện), người hiến phần lớn đất vườn để xây dựng một số cơ quan của Khu căn cứ U Minh, trong đó có khu ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt (sau này là Thủ tướng) khoảng thời gian 1971-1974 ở vùng căn cứ U Minh. Gia đình ông Ba Biện từng nuôi giấu cán bộ qua nhiều thời kỳ nên khi được hỏi mượn tạm vùng bờ liếp để làm căn cứ là ông rất sẵn sàng. “Hồi đó muỗi dữ lắm nên khu nhà để bác Kiệt ở (sau này ông Thuần mới biết-PV) được kê trên bờ chuối, xung quanh chắn lưới mành, bên cạnh có làm hầm tránh bom, pháo khá kiên cố”, ông Út Thuần nhớ lại.

Vợ chồng ông Phạm Văn Nghiệp xem lại những hình ảnh, kỷ vật về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Vợ chồng ông Phạm Văn Nghiệp xem lại những hình ảnh, kỷ vật về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Ông Đỗ Minh Thuần (ngoài cùng, bên trái) bên kỷ vật là chiếc lu xi măng.

Ông Đỗ Minh Thuần (ngoài cùng, bên trái) bên kỷ vật là chiếc lu xi măng.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, cảnh vật xã Khánh Hòa nói riêng, huyện U Minh nói chung đã khác nhiều nhưng tình cảm, lòng sắt son với Đảng, với cách mạng của người dân nơi đây vẫn dạt dào như thuở nào. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Út Thuần hiến 2 công đất để xây dựng Khu di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt ngày nay. Chuyện nữa là trước đây, ông Thuần lưu giữ một kỷ vật gắn bó với cuộc đời ông, đó là chiếc lu xi măng làm hầm trú ẩn được ông Trần Quốc Anh (Chín Anh)-cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt-tận tay trao tặng lại. Năm 2023, cán bộ Bảo tàng Quân khu 9 tìm đến nhà ông Út Thuần sưu tầm hiện vật để trưng bày. Cứ nghĩ kỷ vật quý ông Út Thuần khó lòng đồng ý, nhưng khi hiểu rõ công tác sưu tầm là để gìn giữ cho muôn đời sau, ông gật đầu ngay.

Rời nhà ông Út Thuần, men theo tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp bên sông Cái Tàu, chúng tôi tìm về căn nhà của ông Phạm Văn Nghiệp ở xóm Rạch Chuôi, ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ông Phạm Văn Nghiệp là con trai út của ông Phạm Văn Mậu. Căn nhà ông Nghiệp thừa kế từ cha mình là một trong những địa chỉ nuôi giấu đồng chí Lê Duẩn (sau này là Tổng Bí thư) trong chuỗi ngày hoạt động cách mạng ở Cà Mau. Phía sau nhà ông Nghiệp hiện vẫn còn liếp tre, giữa liếp có mô đất từng là căn chòi và hầm bí mật ngày trước ông Mậu nuôi giấu đồng chí Lê Duẩn. Ông Nghiệp cho biết: “Ngày đó tôi còn nhỏ, chỉ nhớ một khoảng thời gian ba mẹ và chị gái đưa cơm cho cán bộ đang ở tại khu vườn nhà. Mãi đến sau giải phóng, có đoàn cán bộ ở Hà Nội vào khảo sát và Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) đã cho người đón ba tôi ra thị xã Cà Mau họp mặt những gia đình từng cưu mang ông, tôi mới tận tường. Trước khi mất, ba tôi căn dặn bằng mọi giá phải giữ lại liếp tre, nơi có căn hầm bí mật bác Duẩn ở năm xưa. Thực hiện di nguyện của ba, tôi đã giữ khoảnh vườn ấy nguyên vẹn đến nay...”.

Bài và ảnh: PHONG PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/son-sat-u-minh-826026
Zalo