Sơn La chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Thành phố Học tập với các nước ASEAN+3
Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, đại diện cho các Thành phố Học tập toàn cầu của Việt Nam tham gia và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Thành phố Học tập khu vực ASEAN+3.
Ngày 29 - 30.10, Hội nghị Thành phố học tập khu vực ASEAN+3 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, do Văn phòng khu vực của UNESCO tại Bangkok phối hợp với các bên liên quan tổ chức.
Hội nghị nhằm tăng cường năng lực của các thành phố thông qua chia sẻ tri thức giữa các Thành phố Học tập của UNESCO thuộc khu vực Đông Nam Á và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời xác định và phổ biến các thực tiễn trong chính sách quốc gia và địa phương về thúc đẩy Thành phố Học tập và các sáng kiến đổi mới ở cấp thành phố.
Quy tụ hơn 200 đại biểu từ các nước ASEAN+3, Hội nghị cũng hướng tới mục tiêu thiết lập nền tảng bền vững cho đối thoại liên tục và quan hệ đối tác giữa các Thành phố Học tập của UNESCO và các thành phố khác.
Đại diện cho các Thành phố Học tập toàn cầu của Việt Nam tham gia Hội nghị, đoàn đại biểu thành phố Sơn La, dẫn đầu là Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố Học tập toàn cầu Sơn La Hà Trung Chiến đã chia sẻ về chủ đề xây dựng Thành phố Học tập để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tháng 2.2024, thành phố Sơn La vinh dự trở thành thành phố thứ 5 và là thành phố khu vực miền núi khó khăn đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu.
Ông Hà Trung Chiến cho biết, tuy là một thành phố thuộc tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam với nhiều khó khăn, thách thức, song Sơn La vẫn dành 34% tổng ngân sách nhà nước cho giáo dục, trong đó có xây dựng xã hội học tập. Con số này nói lên tầm nhìn và cam kết của thành phố: ưu tiên đầu tư cho giáo dục làm nền tảng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và thay đổi cuộc sống của người dân.
Từ khi gia nhập Mạng lưới, thành phố Sơn La đã có nhiều sáng kiến trong xây dựng Thành phố Học tập theo đúng các tiêu chí của UNESCO. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm khuyến khích học tập trong gia đình và cộng đồng.
Thành phố cũng tích cực thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Đầu tháng 10 vừa qua, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm phương pháp giáo dục thông qua nghệ thuật và âm nhạc LauLau Learning từ Phần Lan và trở thành tiên phong tại Việt Nam triển khai phương pháp giáo dục tiên tiến này.
Một điểm nổi bật nữa đó là thành phố Sơn La đã triển khai xây dựng các không gian học tập đa dạng và thuận tiện cho người dân, với mô hình Ngôi nhà Trí tuệ và Thư viện Nhân ái. Hiện đã có 112 Ngôi nhà Trí tuệ và Thư viện Nhân ái tại các tổ bản của thành phố.
Mô hình Ngôi nhà Trí tuệ được phát triển trên cơ sở nhà văn hóa của các tổ bản. Đây là nơi nhân dân có thể đến đọc sách, sinh hoạt văn hóa, thể thao, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực đời sống, giúp đỡ nhau xây dựng cộng đồng phát triển bền vững.
Theo ông Hà Trung Chiến, thành phố Sơn La đặc biệt quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, thu hút người dân tham gia các hoạt động văn hóa gắn với học tập nâng cao hiểu biết. Trong năm 2024, thành phố đã thành lập 35 câu lạc bộ văn hóa Thái để giữ gìn tiếng nói, truyền dạy chữ viết của dân tộc Thái; phục dựng và duy trì các lễ hội, trang phục truyền thống. Mô hình câu lạc bộ này cũng là nơi đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn học tập, trao đổi kinh nghiệm để có cuộc sống tốt hơn.
Phần thuyết trình và chia sẻ của Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến trong phiên thảo luận song song ngày 29.10 nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Hội nghị Thành phố Học tập khu vực ASEAN+3 ngày 30.10 sẽ tiếp tục với các phiên thảo luận và nhiều chương trình giao lưu, kết nối trao đổi văn hóa, giáo dục. Đây là cơ hội quý để các thành phố trong khu vực học hỏi kinh nghiệm của các thành phố đồng cấp, từ đó cung cấp hiểu biết về cách thúc đẩy tiến bộ trong xây dựng xã hội học tập suốt đời và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là SDG4: Giáo dục chất lượng và SDG 11: Các thành phố và cộng đồng bền vững.