Sớm triển khai ứng dụng hệ thống công nghệ mới trong thực hiện thủ tục hải quan

Nhấn mạnh nếu không hành động ngay sẽ lại tụt hậu, tại Phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ, Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo rất sát sao việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, sớm đưa vào triển khai ứng dụng hệ thống công nghệ mới để vừa củng cố hệ thống VNACCS/VCIS vừa cập nhật tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Công tác phối hợp trong kiểm tra chuyên ngành vẫn còn vướng mắc

Qua 10 năm thi hành Luật Hải quan năm 2014, ngành hải quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các quy định của Luật Hải quan đã đi vào thực tiễn cuộc sống, được doanh nghiệp, người dân đồng tình, đón nhận. Đặc biệt, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý để cải cách thủ tục hành chính về hải quan, thực hiện thủ tục hải quan trên môi trường điện tử.

Báo cáo của Bộ Tài chính và qua khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật tại địa phương cho thấy, thời gian qua cơ quan hải quan đã phối hợp khá chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ quản lý chuyên ngành trong thực hiện thủ tục hải quan nhằm rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 Quang cảnh Phiên giải trình

Quang cảnh Phiên giải trình

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn còn vướng mắc, bất cập do một số văn bản quy định về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hoặc thiếu các điều kiện để bảo đảm thi hành; có quá nhiều văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành dẫn đến khó khăn trong việc tra cứu, thực hiện; một số hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa quy định chi tiết danh mục, danh mục chưa kèm mã số hồ sơ...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, vướng mắc trong công tác kiểm tra chuyên ngành không phải là vấn đề mới mà đã được nghiên cứu khi xây dựng Luật Hải quan năm 2014. Tuy vậy, đây là vấn đề rất khó, liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan nên Luật Hải quan năm 2014 cũng chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra.

 ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu

Mặt khác, Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo xác định những mục tiêu rất mạnh mẽ trong đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành như: giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%… Nhưng đến nay, nhiều mục tiêu không đạt được. Vì vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đây là nội dung cần có đánh giá kỹ, xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Đánh giá cơ chế một cửa quốc gia là một trong những nỗ lực lớn của ngành tài chính nói chung và Tổng cục Hải quan nói riêng, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, đại biểu đã từng nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, đến nay đạt được những kết quả như vậy là rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của cơ chế này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như tiết kiệm ngân sách, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, đặc biệt trong trao đổi chứng từ hành chính, thương mại.

Thực hiện nhanh, thuận lợi, hiệu quả nhất

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hải quan là đầu mối phối hợp, còn thực chất trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành nào vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó, từ chất lượng hàng hóa đến an toàn vệ sinh thực phẩm... Các bộ, ngành cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đơn cử như Bộ Công thương đã cắt giảm tới 60% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cắt giảm danh mục những hàng hóa qua chế biến, sau đóng gói thì không phải kiểm dịch; Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển việc kiểm tra nhà nước về đo lường sang kiểm tra sau thông quan...

Song, Thứ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận đây vẫn là một trong những nút thắt còn tồn tại và cho biết Bộ Tài chính đang đề xuất với Chính phủ theo hướng, bộ nào, chuyên ngành nào thì cải cách mạnh mẽ chuyên ngành đó; vẫn thực hiện nhiệm vụ của từng bộ nhưng có kết nối và chia sẻ chung để bảo đảm thực hiện nhanh, thuận lợi và hiệu quả nhất.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Quan tâm đến công tác chuyển đổi số, đặc biệt là trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đặt vấn đề, Tổng cục Hải quan có giải pháp gì tăng cường ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó nâng cao hiệu quả của các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp?

Khẳng định Bộ Tài chính và ngành hải quan là những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2014, ngành hải quan đã đưa vào ứng dụng Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) và Hệ thống thông tin tình báo hải quan (VCIS). Cùng đó, phát triển thêm 20 hệ thống công nghệ thông tin của hải quan để phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực này.

“Nhờ những hệ thống này, thủ tục thông quan hiện nay được thực hiện 24/7 và thu thuế 24/7, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đơn cử như năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiến sát mốc 800 tỷ USD”, Thứ trưởng nói.

Nhấn mạnh nếu không hành động ngay sẽ lại tụt hậu, Thứ trưởng nêu rõ, Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo rất sát sao vấn đề này và sớm đưa vào triển khai ứng dụng hệ thống công nghệ mới để vừa củng cố hệ thống VNACCS/VCIS vừa cập nhật được những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/som-trien-khai-ung-dung-he-thong-cong-nghe-moi-trong-thuc-hien-thu-tuc-hai-quan-post402146.html
Zalo