Sớm triển khai công tác chuẩn bị đón đầu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh vừa có cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về một số nhiệm vụ trọng tâm của VNR.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Gia Khánh - Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc VNR cho biết, ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Ngày 19/7/2024, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có Văn bản số 1597/UBQLV-CNHT về triển khai thực hiện Đề án và Thông báo số 32/TB-UBQLV ngày 21/6/2024. Trên cơ sở đó, HĐTV VNR có Nghị quyết số 11-24/NQ-HĐTV ngày 4/7/2024 để tổ chức thực hiện Quyết định 562/QĐ-TTg và Quyết định số 748/QĐ-ĐS ngày 08/07/2024 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn đến hết năm 2025.
Ngày 23/7/2024, Ban Chỉ đạo 748 đã họp để triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, Tổng Giám đốc VNR đã ban hành các quyết định thành lập Tổ giúp việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và phát triển Đường sắt; thành lập Tổ giúp việc thực hiện thoái vốn thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần. Đối với Tổ giúp việc thực hiện việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Về công tác thực hiện Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý, ngay khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VNR đã chủ động tổ chức thực hiện các nội dung theo đúng tinh thần chỉ đạo triển khai Đề án của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, Tổng công ty đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số các nội dung quan trọng liên quan tới công tác rà soát, phân loại danh mục, khối lượng, giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt để lập hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; đồng thời, thực hiện xử lý các vật tư thu hồi từ hoạt động bảo trì, thu hồi từ các dự án đầu tư.
Thời gian qua, VNR cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để sửa đổi Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn triển khai hoạt động khai thác tài sản trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định và xây dựng Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Cũng theo ông Hoàng Gia Khánh, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của VNR cũng đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt. Ngay sau khi được sự thống nhất của HĐTV, VNR đã ban hành Kế hoạch triển khai Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm.
Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công nhân viên, việc thực hiện Kế hoạch 5 năm của Tổng công ty thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Với mục tiêu của giai đoạn 2021-2023 là phục hồi sau đại dịch và từng bước thoát khỏi tình trạng thua lỗ và bù đắp dần khoản lỗ lũy kế của các nước trước, đến năm 2023, VNR đã bắt đầu có lãi. Doanh thu hợp nhất giai đoạn này đạt khoảng 23.800 tỷ đồng, vượt 110,3% kế hoạch.
Báo cáo về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, có 01 người lao động tại Ga Lâm Giang (tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai) bị thương do lũ vùi lấp. Thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư (không tính thiệt hại tại Ga Lâm Giang) vào khoảng 130 tỷ đồng với trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu.
Thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư vào khoảng 20 tỷ đồng (17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước; nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào). Thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt vào khoảng 28 tỷ đồng (bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách). Cho tới nay, VNR vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Bên cạnh nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, VNR cũng đã thực hiện hỗ trợ vận tải miễn phí với tổng số lượng đã và đang vận chuyển là 620,6 tấn hàng hóa (nhu yếu phẩm, nước, thuốc men, quần áo, sách vở, dụng cụ thiết bị y tế...) từ các ga Sóng Thần, Nha Trang đi các ga Giáp Bát và dự kiến đến ga Yên Bái, Lào Cai.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã cập nhật thông tin tại cuộc họp của Bộ Chính trị về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, diễn ra ngày 18/9 vừa qua.
Theo đó, mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Tuyến đường sắt tốc độ cao này cũng tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt tốc độ cao cũng bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics. Đồng thời, phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cũng sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu VNR sớm triển khai công tác chuẩn bị, trong đó, tận dụng và nâng cấp hệ thống nhà máy cơ khí đường sắt sẵn có của Tổng công ty, hướng tới mục tiêu dài hạn có thể dần dần làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, từng bước nội địa hóa trong quy trình sản xuất, sửa chữa các bộ phận, linh kiện cơ khí trong ngành đường sắt tốc độ cao. Công tác đào tạo nhân lực phục vụ quản lý, vận hành, khai thác bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt tốc độ cao cũng cần được tính toán, lên kế hoạch và sớm triển khai trong thời gian tới.
Về nội dung cơ cấu lại, triển khai Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, và Chiến lược phát triển VNR thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2035, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh, những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa qua của VNR dù đáng rất đáng ghi nhận nhưng mới chỉ là những thành công bước đầu. Vẫn còn nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó, đi kèm với đó là những khó khăn, thách thức ở phía trước, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Tổng công ty, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả, thiệt hại do cơn bão số 3, VNR đã chủ động thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão; khẩn trương, tích cực khắc phục hậu quả do bão gây ra./.