Sớm thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp và thúc đẩy FDI
Tại Phiên đối thoại chính sách cùng với lãnh đạo của các bộ ngành, tỉnh, thành, cùng các tập đoàn trong nước và quốc tế vào chiều 25/9, Thủ tướng đã đề cập đến về việc sớm thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã mở ra cơ hội lớn cho Thành phố trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề phát triển, chuyển đổi công nghiệp nói riêng.
TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC CỦA THÀNH PHỐ ĐẦU TÀU
Trong 5 năm gần đây, kinh tế của TP.HCM vẫn tiếp tục phát triển ổn định, đồng thời khẳng định là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Trung bình mỗi năm, TP.HCM đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách cả nước.
Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.HCM, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 mũi nhọn trọng yếu: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đứng trước những thách thức như phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ đã lạc hậu sau hơn 30 năm đầu tư phát triển; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của Thành phố.
“Chính vì thế, cần phải triển khai việc chuyển đổi ngành công nghiệp Thành phố để khắc phục các hạn chế nêu trên. Đây là điều là hết sức cấp bách và cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công nghiệp Thành phố phải phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính…
Tuy nhiên, để chuyển đổi công nghiệp TP.HCM thành công, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp và nhà đầu tư, cần có sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương. Việc đầu tiên cần làm là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của Trung ương và Thành phố theo thẩm quyền.
SỚM THÀNH LẬP QUỸ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CHO DOANH NGHIỆP
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 vấn đề nổi trội.
Một là, thể chế phải thông thoáng, giảm tải những rườm rà trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Hai là, hạ tầng phải thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào và chi phí logistic ngang với các nước tiên tiến để tạo ra không gian phát triển và mang lại tính cạnh tranh cho các sản phẩm. “Hiện chi phí logistics của Việt Nam chiếm 17 - 18% GDP, phải kéo giảm xuống ngang các nước tiên tiến là khoảng 11 - 12% GDP”, Thủ tướng nêu rõ.
Cuối cùng, nguồn nhân lực và năng lực quản lý phải thông minh, tinh gọn. Đặc biệt quan tâm và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây…
Hiện tại, chiến lược 10 năm đã xác định rõ các mục tiêu nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh kinh tế, với ba lĩnh vực trọng tâm bao gồm cơ cấu ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công. Trong ngành công nghiệp, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ diễn ra song song, đòi hỏi đổi mới sáng tạo.
Chính phủ đang triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế, đặc biệt trong ngành công nghiệp cho cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết các chiến lược đã được cụ thể hóa qua nhiều văn bản, nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Thủ tướng đã vừa phê duyệt hai quyết định quan trọng liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, đánh dấu bước tiến mới trong chuyển đổi kinh tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành tiêu chí cho doanh nghiệp xanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục rà soát và điều chỉnh các quy định để khuyến khích doanh chuyển đổi xanh. Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh.
SỬA ĐỔI, ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH ĐỂ THU HÚT FDI
Đối với việc thu hút dòng FDI thế hệ mới, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động và các cơ chế chính sách cụ thể. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nêu rõ để thu hút đầu nước ngoài vào Việt Nam cần phải đảm bảo các điều kiện căn bản.
Trong đó, các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, kế hoạch chiến lược phải cụ thể để thu hút các nhà đầu tư quan tâm; phải đáp ứng các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực và điều kiện về năng lượng.
“Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đến những quy định liên quan đến 3 nhóm ngành để thu hút các nhà đầu tư, cũng như đón nhận các thay đổi dòng vốn đầu tư trong bối cảnh mới. Bao gồm sửa đổi Luật Đất đai để tăng cơ hội tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Phương nêu dẫn chứng.
Đối với lĩnh vực năng lượng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, quyết liệt triển khai đường dây 5000 kV mạch 3 với một mục tiêu cao nhất không để thiếu điện trong sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Về việc thu hút đầu tư cho các dự án thế hệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn hay các lĩnh vực mới cũng đã có các chính sách bổ sung. Gần đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lịch vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Phạm Đức Long cho biết liên quan đến việc thu hút FDI cho các dự án đầu tư công nghệ cao, Chính phủ cũng trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật viễn thông. Cũng theo ông Long, Luật Viễn thông đưa vào 2 điểm mấu chốt.
Một là các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỉ lệ góp vốn khi tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu.
Hai là, việc cấp phép cho các trung tâm dữ liệu có đột phá khi đưa ra nguyên tắc là hậu kiểm; Cơ quan quản lý nhà nước theo nguyên tắc hậu kiểm để bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.