Sớm ổn định đời sống nhân dân phía Bắc sau mưa lũ, sạt lở đất

Vượt qua đau thương với những thiệt hại về người và của không thể đong đếm được do mưa lũ, sạt lở đất gây ra thời gian qua; các địa phương phía Bắc đang nỗ lực lớn để khôi phục, ổn định cuộc sống nhân dân.

Tất cả vì Nhân dân

Số liệu thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h30’ ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích).

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu với tinh thần “tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”; các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức nơi ở tạm, an toàn cho người dân đã mất nhà; đồng thời tổ chức tái định cư cho tất cả người dân bị mất nhà, vùi lấp tới nơi ở an toàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2024 với điều kiện an toàn và tốt hơn nơi ở cũ; tổ chức khôi phục giao thông.

 Hình ảnh sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) khiến nhiều người mất tích.

Hình ảnh sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) khiến nhiều người mất tích.

Đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, miễn giảm học phí cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Với sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Cùng với đó có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Nguyễn Văn Nhất cho biết, khoảng 7 xã trên địa bàn đã phải chịu thiệt hại rất nặng do sạt lở đất, bị mưa lũ nhấn chìm.

“Qua rà soát đến trưa 15/9, vẫn còn 14 người mất tích sau vụ sạt lở đất tại thôn Làng Nủ. Hiện địa phương đang tập trung tìm kiếm những người mất tích. Ngoài ra cũng rất quan tâm đến những người còn sống, làm thế nào để có thể tạm cư cho họ. Trước mắt qua khảo sát ý kiến của người dân, chúng tôi tập trung làm khu tạm cư trước.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 31/12/2024, chúng tôi phải hoàn thành khu vực tái định cư cho dân. Anh em đã khảo sát, lựa chọn được vị trí tái định cư và đang tiến hành giải phóng mặt bằng để sớm khởi công xây dựng. Việc thứ 2, về an sinh bảo đảm làm sao không để dân bị đói và khoảng 5 ngày tới là người dân có nơi để ở.

Công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ được huyện Bảo Yên giao cho Trung tâm y tế của huyện phối hợp cùng Sở Y tế tiến hành phun khử khuẩn, cấp phát thuốc cho dân. Làm sao để dân không bị ô nhiễm, nhiễm bệnh trong quá trình khôi phục lại hoạt động sản xuất, xây dựng lại nhà cửa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết thêm.

Chủ động các phương án phòng chống

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản từ trước đến nay của tỉnh Lào Cai. Tính đến 6h ngày 15/9, Lào Cai có 252 người thiệt mạng, mất tích và bị thương; nhiều ngôi nhà bị sạt lở, ngập nước, hư hỏng; hoạt động sản xuất, kinh doanh thiệt hại nặng nề.

 Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm những người mất tích sau vụ sạt lở đất kinh hoàng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm những người mất tích sau vụ sạt lở đất kinh hoàng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai, chỉ đạo dừng một số hoạt động để tập trung cho công tác phòng ngừa, ứng phó trước cơn bão số 3.

Triển khai phương châm “4 tại chỗ” qua việc Trưởng thôn thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) chủ động đưa 17 hộ dân đi tránh sạt lở; ở Mường Hum (huyện Bát Xát), 11 giáo viên và 131 học sinh đã được di tản ra khỏi dãy nhà bán trú trước khi khu vực này sạt lở;...

“Chúng tôi đánh giá không có gì bằng tại chỗ. Trong khi xã chưa kịp chỉ đạo thì lực lượng tại chỗ đã quyết định, giảm thiểu được thiệt hại lớn”, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh. Tỉnh cũng đang tích cực giúp đỡ nhân dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm cứu nạn đối với những người mất tích, chữa trị cho người bị thương.

Chủ tịch UBDN tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, ngay trước cơn bão số 3, tỉnh đã có những chỉ đạo các lực lượng chức năng, người dân trên địa bàn về tình hình bão lũ. Các lực lượng cứu hộ của tỉnh đã tiếp cận được tất cả các trường hợp, tiếp tế nhu yếu phẩm, nước sạch đầy đủ.

Tỉnh cũng đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời đối với nhiều gia đình bị sập đổ nhà hoàn toàn. Bên cạnh đó khẩn trương bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc; tập trung vệ sinh thu gom rác thải sau mưa lũ.

Triển khai các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành nhà cho người dân trong năm 2024; muộn nhất ngày 18/9 các điểm trường sẽ quay trở lại hoạt động bình thường.

Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trước mắt đối với vùng đồng bằng, ven biển cần tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, các lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,… Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn bởi nguy cơ cao có thể xảy ra sạt lở sau thời gian mưa lớn kéo dài, đất bão hòa nước.

Về lâu dài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia, Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia,...

Tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất; lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/som-on-dinh-doi-song-nhan-dan-phia-bac-sau-mua-lu-sat-lo-dat-post312821.html
Zalo