Sớm khởi công 3 tuyến cao tốc trọng điểm vùng Đông Nam Bộ

Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sáng 10/8, tại TP HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm tại Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm tại Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP

Nhiều dự án liên kết vùng Đông Nam Bộ chuyển động

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024, cho biết trong 7 tháng đầu năm, Vùng Đông Nam Bộ có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Thu ngân sách Nhà nước hơn 390.000 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng thu cả nước, đứng thứ hai sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 43% tổng thu cả nước).

Giá trị xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ hai sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Tính đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 5/5, Hội đồng Điều phối vùng đã có phiên họp lần thứ 3 tại tỉnh Tây Ninh. Sau 2 tháng, đến nay hội đồng đã hoàn thành 3 nhiệm vụ:

Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Nếu không có cơ chế vượt trội, TP HCM sẽ mất hàng thế kỷ để làm 500 km đường sắt đô thị

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy TP HCM đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị thành phố.

Nội dung cơ bản của đề án là, dự kiến đến năm 2030, TP HCM sẽ xây dựng thêm 183 km đường sắt đô thị, lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%. Đến năm 2045, thành phố có thêm 168 km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352 km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40-50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP HCM với tổng chiều dài là 510 km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.

Để triển khai khối lượng hệ thống đường sắt đô thị này, ông Mãi nhìn nhận, TP HCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, thành phố xác định nhu cầu vốn ở các mốc như: Đến năm 2035, thành phố cần khoảng 36 tỷ USD; năm 2045 cần 33 tỷ USD; năm 2060 cần 48 tỷ USD.

Số tiền này được huy động từ nguồn đầu tư công của thành phố bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách thành phố.

"Để triển khai đề án này, thành phố kiến nghị cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, trong giải phóng mặt bằng, trong huy động vốn và quản lý", ông Mãi nhấn mạnh và cho biết, nếu không có cơ chế vượt trội mà cứ thực hiện theo quy trình đầu tư công thì thành phố mất 20 năm để làm 20 km Metro số 1, như vậy để làm 500 km sẽ mất hàng thế kỷ.

Cụ thể, TP HCM dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó có các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường tái định cư, huy động vốn, thủ tục dự án. Hiện thành phố đang phối hợp với Thủ đô Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Sớm khởi công 3 tuyến cao tốc trọng điểm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện quy hoạch vùng trong thời gian tới và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh một số phương hướng, nhiệm vụ.

Về các nhiệm vụ chung, trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2024 đã đề ra để quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Cùng với đó, tích cực, quyết liệt triển khai công tác quy hoạch. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.

Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…). Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết vùng.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.

Các Bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng như đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.

Thủ tướng giao TP HCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TP HCM tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11/2024.

Thủ tướng yêu cầu TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.

Các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/som-khoi-cong-3-tuyen-cao-toc-trong-diem-vung-dong-nam-bo-32251.html
Zalo