Sớm khắc phục tồn tại, hạn chế trong thi hành án dân sự
Thời gian qua, hệ thống thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã có nhiều nỗ lực hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác THADS hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
Nhận diện những tồn tại, hạn chế
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác THADS trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Lê Văn Hiếu cho biết, những năm qua, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan THADS trong tỉnh đã phấn đấu khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hàng năm. Những kết quả đạt được của THADS tỉnh đã góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ chung hàng năm của ngành THADS cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác THADS của tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: biên chế thiếu, lượng án ngày càng tăng cao, tính chất phức tạp, rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án ngày càng cao. Nhiều vụ việc có số lượng đương sự đông, dẫn đến áp lực rất lớn trong công tác tổ chức THADS. Số việc, số tiền chuyển kỳ sau của các năm tiếp tục thi hành tương đối nhiều và năm sau đều tăng cao hơn năm trước. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS phát sinh có chiều hướng tăng, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp vẫn còn xảy ra.
Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thống Nhất Hồ Thị Vân Giang cho hay, những khó khăn, hạn chế của đơn vị là một số vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm. Án có điều kiện chuyển kỳ sau tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Công tác tự kiểm tra chưa thật sự sâu sát, chưa đảm bảo việc 100% công chức tự kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Chi cục THADS huyện Thống Nhất hiện gặp vướng mắc liên quan đến việc hoãn thi hành án, bởi nhiều trường hợp đương sự cố tình chống đối, tạo ra các tranh chấp giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ, khiến cho việc thi hành án bị gián đoạn. Theo đó, nếu tòa án có thông báo thụ lý tranh chấp về tài sản thi hành án (Điều 74 và 75 Luật THADS năm 2022) thì Cơ quan THADS phải ra quyết định hoãn thi hành án (điểm d, khoản 1, Điều 48 Luật THADS năm 2022). Bất cập này sẽ khiến việc thi hành án bị trì hoãn kéo dài, dẫn tới khiếu nại, tố cáo của người được thi hành án đối với Cơ quan THADS về việc chậm tổ chức thi hành án.
Theo Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Biên Hòa Lê Thị Mạnh Hà, các quy định pháp luật giữa các ngành còn nhiều chồng chéo, bất cập, công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn chưa thực sự hiệu quả, chưa có nhiều cơ chế đột phá để tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt là các quy định của Luật THADS năm 2022 và Luật Đất đai năm 2024 còn có mâu thuẫn, bất cập, gây khó khăn rất lớn cho việc tổ chức kê biên, bán đấu giá tài sản.
“Hiện khó khăn của chúng tôi là nhiều vụ việc khi chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý thì xảy ra tranh chấp và cơ quan tòa án đang thụ lý. Do vậy, chúng tôi phải chờ kết quả giải quyết của tòa án mới tổ chức thi hành án, trong khi việc chờ đợi kéo dài sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2024” - bà Hà cho biết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG đề nghị các cơ quan THADS của tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, vì để kéo dài sẽ khiến người dân bức xúc và gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đặc biệt, cơ quan THADS cần lưu ý đến vai trò, trách nhiệm cũng như đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng
Phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường ghi nhận sự nỗ lực của ngành THADS Đồng Nai trong thời gian qua, mặc dù đội ngũ nhân sự “mỏng” nhưng ngành đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác THADS của tỉnh hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do vậy, ngành THADS Đồng Nai cần quan tâm tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả công tác THADS, đồng chí Quản Minh Cường yêu cầu ngành THADS phải sắp xếp lại bộ máy cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin vào công việc có hiệu quả. Tăng cường siết chặt kỹ cương, giáo dục tư tưởng chính trị, trau dồi đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, đừng để những “con sâu làm rầu nồi canh” và làm ảnh hưởng chung đến công tác thi hành án. Phải đặt lợi ích của người dân lên đầu để giải quyết các vụ việc “thấu tình, đạt lý”, thuyết phục lòng dân.
Ngoài ra, cơ quan THADS cần quan tâm đến công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là phối hợp thực hiện các vụ việc cưỡng chế, bán đấu giá tài sản để việc thi hành án có hiệu quả, đúng quy định pháp luật; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời và có tình, có lý để không còn gây bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, các thành viên trong đoàn giám sát đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho hoạt động THADS. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan THADS đã nhận diện những tồn tại, hạn chế thì cũng cần đưa ra lộ trình khắc phục để các sở, ngành theo dõi, giám sát. Cần rà soát lại quy chế phối hợp với các ngành xem chỗ nào chưa thực hiện tốt để cùng nhau tháo gỡ kịp thời. Quan tâm nhiều hơn nữa việc vận động, thuyết phục các đương sự phải thi hành án, bởi không phải người nào cũng cố tình chống đối mà có thể họ đang gặp khó khăn…