Sớm hồi sinh những cánh rừng sau bão

Bão số 3 quét qua khiến nhiều cánh rừng ở Quảng Ninh bị thiệt hại nặng, phải cần tới 5-10 năm mới có thể phát triển xanh tươi trở lại

Ước tính thiệt hại của ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh là hơn 6.400 tỉ đồng, chiếm 26% tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại địa phương này.

Đối mặt nguy cơ hỏa hoạn

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 120.000 ha rừng bị thiệt do bão số 3. Trong đó, mức thiệt hại 30%-100% chủ yếu là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn. Nhiều rừng cây bị gãy ngang thân, cành, lá bị tuốt rụng, không có khả năng phục hồi.

Nhà nước cấp ngân sách với mức tối đa 20 triệu đồng/ha để đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trồng rừng gỗ lớn nhằm khôi phục rừng thiệt hại sau bão số 3

Nhà nước cấp ngân sách với mức tối đa 20 triệu đồng/ha để đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trồng rừng gỗ lớn nhằm khôi phục rừng thiệt hại sau bão số 3

Tổng số hộ dân liên quan bị thiệt hại lên tới trên 22.000. Đó là các gia đình được giao bảo vệ đất, rừng hoặc được giao khoán trồng rừng của những công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ninh cho biết mùa hanh khô đang diễn ra nên các chủ rừng còn phải đối mặt nguy cơ hỏa hoạn. Sau bão số 3, ước tính khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy (thân, cành, rễ, lá khô) tồn tại ở các khu rừng bị thiệt hại. Việc này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra cháy trên diện rộng, thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, gần 50% diện tích rừng trồng năm 2021-2023 đã bị gãy đổ sau bão số 3. Giá trị lâm sản thu hồi sau bão cơ bản không đủ chi phí thu dọn. Việc này rất dễ dẫn đến tình trạng chủ rừng chủ động đốt các cánh rừng thiệt hại để trồng rừng mới, trong khi có hàng ngàn hecta rừng tự nhiên liền kề. Do đó, nguy cơ cháy lan trên diện rộng, vào cả diện tích rừng tự nhiên là rất lớn.

Chỉ tính từ ngày 28-9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra hơn 10 vụ cháy rừng với diện tích gần 60 ha. Các địa phương đã phải huy động hơn 1.300 lượt kiểm lâm, công an, quân đội và lực lượng tại chỗ trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

"Lấy ngắn nuôi dài"

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết bão số 3 đã càn quét nhiều cánh rừng khiến hàng chục ngàn hộ dân sống nhờ rừng ở vùng núi các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên… kiệt quệ. Với đặc thù chu kỳ cây sinh trưởng dài, việc "chữa lành", hồi sinh những cánh rừng thiệt hại sẽ tốn nhiều thời gian, công sức.

"Rừng được giao là cả cơ nghiệp của chúng tôi. Biết bao dự định của gia đình như: trả nợ ngân hàng, đóng học phí cho con, sửa sang nhà cửa… nay đành phải gác lại. Chúng tôi đã cố gắng tận thu ở những diện tích rừng thiệt hại nhưng giá gỗ được thu mua lại quá rẻ" - bà Hoàng Mai Dung - một người được giao khoán rừng trồng ở xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ - lo ngại.

Ông Lý Văn Thắng, cũng ngụ xã Nam Sơn, cho hay gia đình ông mất trắng 8 ha rừng keo sau bão số 3. Các hộ dân trong xã cũng đều bị thiệt hại, ít thì 1 - 2 ha, mất vài chục triệu đồng; nhiều thì hàng chục hecta, mất cả tỉ đồng. "Không những thế, giá keo thu mua đang giảm từng ngày. Chúng tôi đang tận thu những cây keo trên 4 - 5 năm bị gãy, đổ cũng chỉ đủ trả chi phí thuê nhân công, vận chuyển, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy rừng… Để trồng lại những cánh rừng mới phải mất nhiều thời gian, công sức" - ông băn khoăn.

Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, để khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất, chi cục đã triển khai một loạt giải pháp cấp bách liên quan việc thống kê, đánh giá, lập hồ sơ... theo các cơ chế hỗ trợ của trung ương và địa phương. Cụ thể, để các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP và Quyết định 1568/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, chi cục đã hướng dẫn các địa phương cách thống kê, đánh giá lại tất cả diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% trở lên.

Dựa vào dự thảo nghị định quy định về thanh lý rừng trồng của Bộ NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã hướng dẫn các chủ rừng lập hồ sơ, xác định thiệt hại đối với diện tích rừng trồng từ ngân sách nhà nước, rừng trồng thay thế. Rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trên 70% thì sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; bị thiệt hại từ 30%-70% thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

UBND các địa phương ở Quảng Ninh đang tích cực tổ chức thực hiện việc kiểm đếm rừng thiệt hại và lập hồ sơ hỗ trợ. Dự kiến kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 02 ở Quảng Ninh là trên 233 tỉ đồng.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết ngành nông nghiệp địa phương đã đề xuất với UBND tỉnh phương án khôi phục rừng, phát triển lâm nghiệp. Theo đó, Quảng Ninh sẽ không trồng những loại cây rừng lớn nhanh mà tập trung vào cây lâu năm, cây bản địa. Các địa phương đang lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, chậm nhất đến năm 2027 phải bảo đảm tỉ lệ che phủ rừng như trước khi xảy ra bão số 3.

Trước mắt, để bảo đảm cuộc sống của các hộ trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng đồng thời "lấy ngắn nuôi dài", các địa phương ở Quảng Ninh định hướng chủ rừng lựa chọn loại cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn, kết hợp với việc trồng lại rừng bằng cây bản địa, cây gỗ lớn.

HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 10-7 đã ban hành Nghị quyết 37 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, tỉnh hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống và công chăm sóc (cao hơn 5 triệu đồng/ha so với quy định chung của cả nước); hỗ trợ 400.000 đồng/ha chi phí lập phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng.

Bài và ảnh: Trọng Đức

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/som-hoi-sinh-nhung-canh-rung-sau-bao-196241024203200208.htm
Zalo