Sớm giao nhiệm vụ gắn với tiến độ hoàn thành, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật
Trình bày Báo cáo tham luận về công tác giám sát việc triển khai đối với luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Chính phủ sát sao chỉ đạo việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trong năm 2024, sớm giao nhiệm vụ gắn với tiến độ cụ thể hoàn thành, bảo đảm các văn bản này có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.
Khẩn trương ban hành các nghị định thi hành Luật Đất đai ngay trong 2024
Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai gồm 16 Chương, 260 điều với những điểm mới: Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư…
Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.Hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.Hoàn thiện các quy định về phương pháp xác định giá đất, chính sách tài chính về đất đai. Hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho cá nhân là người dân tộc thiểu số; hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất; quy định rõ ràng hơn về tập trung, tích tụ, chuyển nhượng đất nông nghiệp. Hoàn thiện quy định về địa giới hành chính, bản đồ địa chính.
Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng 2 đề án trình cấp có thẩm quyền là: tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập; thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 7 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành.
Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1.1.2025. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong năm 2024, Chính phủ phải ban hành các nghị định thi hành Luật Đất đai, quy định chi tiết về các nội dung: Thi hành một số điều của Luật Đất đai; điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quỹ phát triển đất; thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giá đất; đất trồng lúa, lấn biển; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Về các thông tư hướng dẫn quy định các nội dung: kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.
Với Luật Kinh doanh bất động sản, được Quốc hội thông qua ngày 28.11.2023, tại Kỳ họp thứ Sáu gồm 10 Chương, 83 Điều với nhiều điểm mới, trong đó có 20 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 1 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng và 3 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
Để Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống, thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1.1.2025. Các Bộ, ngành liên quan hiện đang trong quá trình xây dựng các văn bản để bảo đảm kịp thời ban hành khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực.
Lưu ý những mốc thời gian nêu trên, Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong năm 2024, sẽ ban hành các nghị định thi hành Luật Kinh doanh bất động sản về: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản; xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Các thông tư hướng dẫn bao gồm Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản. Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sử dụng kinh phí để xây dựng, điều tra thu thập thông tin, cập nhật, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về giá; hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Tập trung vào sự phù hợp của các nghị định, thông tư hướng dẫn với Luật về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành; bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản, tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng và hệ thống pháp luật.
Đồng thời, trong năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; trình tự, thủ tục thực hiện dự án bất động sản; nguồn vốn cho thị trường bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, điều tra, xét xử, thi hành án trong kinh doanh bất động sản…
Kết quả giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của pháp luật về kinh doanh bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Làm tốt công tác hướng dẫn về các chính sách đặc thù, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin - cho”
Về Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28.11.2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trongNghị quyết đã quy định các dự án kèm theo Nghị quyết được áp dụng một số chính sách đặc thù về: tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.
Theo yêu cầu của Nghị quyết, Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hiệu quả của chính sách; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.
Trên cơ sở phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết nhằm bảo đảm Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của các địa phương và doanh nghiệp, người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết.
Nghị quyết đã giao trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc và làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương. Đối với UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư, nâng cấp, mở rộng; bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27.1.2024 về triển khai Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Trong đó, UBND các tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ tại Điều 3 của Nghị quyết.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan quy định tại Nghị quyết này; trường hợp cần thiết, chủ động, kịp thời hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.
Theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện theo lĩnh vực quản lý; báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại nghị quyết của Quốc hội.
Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền về các chính sách đặc thù tại Nghị quyết; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin - cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh... - Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Để nâng cao hiệu quả việc triển khai, thực hiện các Luật, Nghị quyết, cụ thể với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ sát sao chỉ đạo việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trong năm 2024, sớm giao nhiệm vụ gắn với tiến độ cụ thể hoàn thành, bảo đảm các văn bản này có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật; đồng thời chú trọng công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, sở, ngành địa phương được giao tổ chức thi hành luật.
Kịp thời bố trí nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai như mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật; chỉ đạo rà soát các văn bản dưới luật khác có liên quan, kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan: tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, bảo đảm quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan mới được ban hành, đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đối với Nghị quyết thí điểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tích cực đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo yêu cầu, phân công nhiệm vụ cho một cơ quan thường trực để kịp thời nắm bắt tiến độ triển khai thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Ngoài ra, để bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí, đề nghị cần tăng cường vai trò của các cơ quan kiểm tra, thanh tra như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các vi phạm pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.