Sớm giải quyết điểm nghẽn nhân lực AI
Thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) đang là điểm nghẽn lớn mà Việt Nam phải gấp rút giải quyết.

Ảnh minh họa: Infoworld
Khát nhân lực AI
VNPT đang có khoảng 200 kỹ sư, chuyên gia AI. Tập đoàn này đã có sản phẩm lọt vào Top 10 của thế giới. Tới đây, VNPT sẽ công bố nền tảng AI mở 100% của Việt Nam, đủ tầm cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo với các doanh nghiệp trên thế giới.
Tại Hội nghị Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tổ chức đầu tuần này, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết, Tập đoàn rất mong muốn và đã xin nhận nhiệm vụ thực hiện những bài toán lớn của Chính phủ trong lĩnh vực công nghệ số và AI. Việc này sẽ giúp Việt Nam giải quyết các bài toán lớn và có thể nhân rộng cho những ứng dụng khác.
“VNPT hướng đến trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và đạt trình độ khu vực, quốc tế, có khả năng xuất khẩu được công nghệ và sản phẩm AI. Để đạt được mục tiêu đột phá đó, cần cơ chế và nguồn nhân lực. VNPT cần hàng ngàn nhân tài, nhân lực trong 1-2 năm. Đây cũng là thách thức cho cơ chế, cho đầu tư về nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp nhà nước”, ông Liêm cho biết.
Khan hiếm nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề mà ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc NVIDIA Việt Nam thẳng thắn chỉ ra. Theo ông Cường, Việt Nam đang khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ, trong nhiều công đoạn, như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể, khi AI đi vào các chuyên ngành, như sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông…, Việt Nam lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI. Do đó, Việt Nam sẽ cần tới số lượng hàng trăm ngàn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới.
Trong khi đó, FPT hiện có 12.000 kỹ sư về AI, được cấp gần 10.000 chứng chỉ NVIDIA trong thời gian ngắn. FPT cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 kỹ sư AI, tham gia đào tạo chuyển đổi 500.000 kỹ sư công nghệ thông tin sang AI.
“Việt Nam được chọn trở thành trung tâm bán dẫn và AI là tương lai của thế giới. Nếu đào tạo được một triệu kỹ sư AI, Việt Nam sẽ thuộc nhóm quốc gia tiên tiến”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên đến 79,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Google khuyến nghị, Việt Nam cần củng cố hạ tầng kỹ thuật, đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI và tăng cường khả năng tiếp cận AI trong toàn nền kinh tế.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Từ kinh nghiệm của NVDIA, ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ, để đào tạo số lượng lớn nhân lực có chất lượng, Việt Nam cần số lượng giảng viên có chất lượng cao và cần áp dụng phương thức “train the trainer” (đào tạo nội bộ), cũng như kết hợp giữa phương pháp đào tạo tự học và giáo viên hướng dẫn. Về chương trình đào tạo, cần đào tạo ở cả 3 cấp độ: nâng cấp (upscaling), đào tạo lại (reskilling) nhân lực công nghệ thông tin hiện có cho các đơn vị công lập, doanh nghiệp, start-up; đào tạo mới cho sinh viên đại trà; đào tạo chất lượng cao mũi nhọn.
Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong số đó, có khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản.
Năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.
- Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA)
Đặc biệt, cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT… cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên. Cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn do việc đào tạo cho đối tượng không phải sinh viên cần trả phí cũng như trả thù lao cho giảng viên để có thể nâng cao số lượng giờ giảng dạy.
Ông Suk Ji-won, Tổng giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài trong đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài, như chính sách hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định lâu dài tại Việt Nam. “Tôi mong rằng, những chính sách này cũng sẽ được áp dụng cho đội ngũ nhân lực xuất sắc được các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tuyển chọn và những chuyên gia được các doanh nghiệp cử sang Việt Nam làm việc trong các dự án công nghệ cao”, ông Suk Ji-won nói.
Còn ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel thì cho rằng, về dài hạn, các trường đại học nên có nguồn quỹ để sinh viên có cơ hội ra nước ngoài học tập, tìm hiểu cái mới, làm việc một thời gian, sau đó quay về phục vụ đất nước, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thì phải có nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học, thì cần thu hút nghiên cứu, cần nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng trường đại học và trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu. Để làm được việc này, trường đại học cần có “thỏi nam châm” để hút nghiên cứu. “Thỏi nam châm” đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Với 75.000 tỷ đồng chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong năm 2025, nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa được 500 tỷ đồng”, ông Hùng chia sẻ.