Sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy
Ngày 28/8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung; đồng thời cho rằng, việc hoàn thiện sớm Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) để các điều luật có hiệu lực dễ áp dụng trong thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ và răn đe đối với vi phạm liên quan đến công tác PCCC thời gian vừa qua.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về PCCC và CNCH (Điều 4), ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị, dự thảo Luật nên xem xét nghiên cứu, bổ sung việc bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị. Bởi nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ thực hiện công tác PCCC và CNCH sẽ rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Đối với những thiết bị PCCC thiết yếu cần bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC, CNCH.
Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn trong công tác PCCC và CNCH, ĐB Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, Chính phủ cần sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng.
Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về PCCC, đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định, trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình.
Cần miễn trách nhiệm hình sự với nạn nhân bị ép buộc trong mua bán người
Cùng ngày, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN) (sửa đổi). Một trong những điểm mới của dự thảo lần này được Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH tiếp thu đề nghị của ĐBQH và bổ sung tại khoản 2 Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Tuy nhiên, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị, cần tiếp tục rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để thống nhất trong triển khai thi hành. Cụ thể như tại khoản 22 Điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Như vậy, vẫn có trường hợp mua bán bào thai được pháp luật công nhận.
Về nguyên tắc PCMBN (Điều 4) tại khoản 1 quy định, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trung tâm bảo đảm bình đẳng giới. Theo ĐB Dương Khắc Mai, cần quy định bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân thay vì từ “trung tâm”, bởi người đang trong quá trình xác định là nạn nhân chưa chắc đã là nạn nhân. Ví dụ, có trường hợp cố ý vượt biên trái phép để làm các công việc theo chủ định của cá nhân nhưng kết quả không như mong muốn nên báo tin bị bắt cóc, lừa gạt sang biên giới… để được nhận trợ giúp. Vì thế, khi xác minh hoàn thành, ngoài việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp cũng phải tách bạch, xử lý hành vi vi phạm trước đó hoặc áp dụng phương pháp hỗ trợ khác.