Sớm có quyết định về việc bảo vệ Di tích khảo cổ Vườn Chuối

Tại Hội thảo 'Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 - năm 2024' với chủ đề 'Những phát hiện mới về khảo cổ học' do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức, địa danh Vườn Chuối tiếp tục được nhắc đến như một điểm nhấn quan trọng.

Khu vực khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối. (Ảnh: Đoàn khai quật)

Khu vực khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối. (Ảnh: Đoàn khai quật)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học cho biết, Hội thảo thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 có 383 thông báo, cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2023-2024 diễn ra rất sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao. Ngành khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần làm rõ các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng dân cư cổ trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong báo cáo “Hoạt động khảo cổ học Việt Nam hai năm 2023-2024”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Nghiên cứu viên cao cấp, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học nhấn mạnh giá trị của Di chỉ Vườn Chuối tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) được phát hiện từ năm 1969. Kết quả 11 lần khai quật trong hơn 50 năm qua đã ghi nhận Di chỉ Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất ba tầng văn hóa phát triển liên tục, có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của Văn hóa Đông Sơn, cách đây khoảng 2.500 đến 4.000 năm.

Các nhà khoa học đã thu được dấu tích của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn, hơn 100 mộ táng còn nhiều hiện vật xương người ở tình trạng tốt, đủ điều kiện làm xét nghiệm ADN, từ đó có thể thành lập phả hệ gien của người cổ để so sánh với người hiện đại. Cuộc khai quật trên diện tích 6.000 m2 tại Cụm Di chỉ này vào giữa năm nay đã cung cấp thêm nhiều tư liệu mới trong nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền bắc.

Tuy nhiên, Di chỉ Vườn Chuối đang ở tình trạng lộ thiên, tiếp tục chờ chính sách xử lý của chính quyền cùng những đợt khai quật tiếp theo. Việc bảo vệ di tích có giá trị này cần được ngành chức năng và chính quyền thành phố đặt ra một cách nghiêm túc, khoa học trên nguyên tắc tôn trọng sự nguyên vẹn của di tích có giá trị lịch sử và giá trị khoa học không thể làm lại, có tiềm năng phát triển thành địa chỉ du lịch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, giá trị của Di chỉ Vườn Chuối là vô cùng quý giá, ngành chức năng cần sớm có câu trả lời vì sao vẫn chưa công nhận Vườn Chuối là di tích để bảo vệ?

Trên thế giới không có nhiều quốc gia có được những di chỉ quý báu đem đến những thông điệp từ lịch sử xa xưa như một số di chỉ cổ ở Việt Nam: Gò Đất Nại (Bà Rịa-Vũng Tàu), xưởng chế tác vòng đá Thọ Sơn (Bình Phước), Di chỉ Vườn Chuối.

Trên thế giới không có nhiều quốc gia có được những di chỉ quý báu đem đến những thông điệp từ lịch sử xa xưa như một số di chỉ cổ ở Việt Nam: Gò Đất Nại (Bà Rịa-Vũng Tàu), xưởng chế tác vòng đá Thọ Sơn (Bình Phước), Di chỉ Vườn Chuối. Hãy khoan nói đến những di chỉ thời tiền sử như hang Sterkfontein ở Nam Phi chứa đựng nhiều hóa thạch của người vượn; vùng đất Laetoli ở Tanzania lưu giữ hàng loạt dấu chân của người tiền sử trên tro núi lửa; hang Blombos ở Nam Phi, nơi cư trú của loài Homo sapiens (người tinh khôn); di chỉ Laas Gaal ở Somali là một phức hợp hang động chứa nhiều bức vẽ trên đá có niên đại từ 9.000 năm trước Công nguyên...

Nhiều quốc gia đã lưu giữ, bảo quản cẩn thận các di chỉ lộ thiên của nền văn minh cổ đại như “Thung lũng của các vị vua” ở Ai Cập (có niên đại tương đương với niên đại của Di chỉ Vườn Chuối); thành phố Meroe thuộc Sudan, từng là một trong những thành phố giàu có nhất của đế chế Kush cổ đại thành lập vào năm 800 trước Công nguyên, với 200 kim tự tháp cổ vẫn tồn tại; làng Nok ở Nigeria với những bức tượng đất nung có niên đại từ thế kỷ 11 trước Công nguyên đến thế kỷ 3 sau Công nguyên; cung điện Knossos ở đảo Crete ở Hy Lạp; đấu trường La Mã, thành phố Pompei và đặc biệt Di tích Công trường La Mã ở Italia có nhiều nét đặc điểm tương đồng với Di chỉ Vườn Chuối… Mặc dù còn ẩn chứa nhiều bí mật chờ được khám phá, nhưng những di tích này đều được bảo quản khá chu đáo với những chính sách của Chính phủ và ý thức của cộng đồng ở quốc gia họ.

Được biết, trong hai năm 2019-2020, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học xác định diện tích phân bố di tích ở gò Vườn Chuối là 12.000 m2, một nửa phía đông nằm trong công viên Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch, nửa phía tây nằm trong phạm vi đường vành đai 3.5. Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội đã đề xuất phương án bảo tồn 6.000 m2 phía đông di tích làm Công viên Di sản văn hóa và khai quật di dời diện tích 6.000 m2 phía tây di tích để giải phóng mặt bằng xây dựng đường vành đai 3.5.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Di chỉ Vườn Chuối có những hiện vật vô cùng quý giá, là bằng chứng về sự tồn tại của người Việt cổ. Một khi di tích đã phát lộ cần phải tuyệt đối tôn trọng, không thể cắt đất di sản để làm đường hoặc xây dựng bất kỳ công trình mới nào, làm như vậy là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Cục Di sản văn hóa cần vào cuộc, xác định dấu mốc bảo vệ di tích, không thể vì bất kỳ lý do nào mà để nhà đầu tư phớt lờ quy định của pháp luật gây nên “chuyện đã rồi”.

Giá trị của di sản là không thể đong đếm, không thể làm lại. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm với tiền nhân, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đề nghị thành phố Hà Nội sớm cho xây dựng công trình mái che, lan-can bảo vệ di tích phòng chống những tác động không có lợi của môi trường và con người. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ra quyết định công nhận Khu Di chỉ Vườn Chuối là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, ngang hàng với cấp độ các di chỉ khảo cổ học: Văn hóa Đông Sơn, Đồng Đậu, Gò Mun…; xác định ranh giới bảo vệ nghiêm ngặt những di sản vô giá tiền nhân để lại. Thậm chí nhiều ý kiến đặt ra là liệu có được cắt đất của Di tích Lịch sử Vườn Chuối 4.000 năm tuổi, một minh chứng cho nguồn gốc người Việt, để xây dựng một công trình hiện đại? Câu trả lời xin chuyển ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Ninh Cơ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-co-quyet-dinh-ve-viec-bao-ve-di-tich-khao-co-vuon-chuoi-post848015.html
Zalo