Sớm ban hành Nghị định thí điểm phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 302/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị định thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo Nghị định bảo đảm đủ điều kiện ban hành
Thường trực Chính phủ cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo Nghị định đã được đa số Thành viên Chính phủ đồng ý thông qua. Về nguyên tắc, dự thảo Nghị định đã bảo đảm đủ điều kiện ký ban hành.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 8/7/2024. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ xem xét, ký ban hành Nghị định này.
Với 4 nội dung còn ý kiến khác nhau Thường trực Chính phủ đồng ý thông qua với lưu ý:
Đối với nội dung thí điểm phân cấp cho chính quyền Thành phố ban hành các Danh mục ngành, nghề ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư: Nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng giao UBND Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng nhân dân quyết định Danh mục ngành, nghề ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Đối với nội dung thí điểm phân cấp chi đào tạo, bồi dưỡng, công tác phí, hội nghị, tiếp khách và nội dung thí điểm phân cấp tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ sở nhà đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công: Nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng giao UBND Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính trước khi trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.
Bổ sung quy định về việc bãi bỏ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; về trường hợp có quy định khác với quy định tại Nghị định thì thực hiện theo Nghị định này.
Phân cấp để tạo điều kiện phát huy tính chủ động sáng tạo
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa vào nhu cầu thực tiễn và những yêu cầu đặt ra từ hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn của người dân cũng như năng lực trong tổ chức quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố.
Theo ông Hoan, mục tiêu của phân cấp nhằm tăng cường, xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết kịp thời, hiệu quả vấn đề phát sinh trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố đối với cả nước và khu vực.
Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, bảo đảm an ninh quốc gia trong phân cấp quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý.
Dự thảo Nghị định phân cấp cho chính quyền Thành phố trên 9 nhóm ngành, lĩnh vực, gồm: Quản lý Nhà nước về đầu tư (3 nội dung); Quản lý Nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách Nhà nước (9 nội dung); Quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường (9 nội dung); Quản lý Nhà nước về giao thông vận tải (4 nội dung); Quản lý Nhà nước về Y tế (2 nội dung); Quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (2 nội dung); Quản lý Nhà nước về lao động (2 nội dung); Quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ (2 nội dung); Quản lý Nhà nước về nội vụ (4 nội dung).
Đáng chú ý, trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường, Thành phố được chủ động xác định quy mô dân số, điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu về kiến trúc khi tổ chức lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố; Tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, giá khởi điểm đấu giá do Chủ tịch UBND Thành phố xác định; Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với dự án nhóm A, cấp II và công trình dân dụng, cấp I được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn khác; Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình dân dụng cấp I được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn khác; Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng; Cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Giao Công an Thành phố thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xây dựng cấp I; Quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy mô việc xây dựng công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác không nhằm mục đích để ở hoặc kinh doanh.