Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng
Có thể thấy ít có nơi nào phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rầm rộ và mau chóng như ở thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) thời gian vừa qua. Hoạt động này phát triển rộng khắp ở các lứa tuổi, bản, tổ dân phố, khẳng định đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nâng lên một bước.
Khẳng định phong trào văn nghệ quần chúng đang phát triển rộng khắp, anh Tòng Văn Tính (công chức văn hóa thị trấn Tân Uyên) nêu dẫn chứng về sự hoạt động tích cực, nỗ lực của mỗi đội văn nghệ ở các tổ dân phố, bản. Nội lực dồi dào lại được tiếp thêm bởi sự quan tâm của các cấp thông qua hỗ trợ hoạt động 3 triệu đồng/đội văn nghệ/năm. Không chỉ vậy, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, thị trấn Tân Uyên có 3 đội văn nghệ thuộc các bản: Chạm Cả, Nà Nọi, Hô Be còn được hỗ trợ thêm 71 triệu đồng/đội/năm. Từ nguồn kinh phí đó, các đội văn nghệ sử dụng mua sắm trang phục, tủ đựng trang phục, đạo cụ biểu diễn…
Đội văn nghệ bản Chạm Cả dao động từ 8 - 10 thành viên và đều là dân tộc Khơ Mú. Chị Hoàng Thị Liên - Đội trưởng đội văn nghệ bản chia sẻ: Đội lấy việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đặt lên hàng đầu thông qua những tiết mục múa. Hơn hết chúng tôi hiểu ý nghĩa và giá trị của việc gìn giữ, trao truyền văn hóa dân tộc mình. Đội văn nghệ được các biên đạo múa thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh về hướng dẫn, truyền dạy; học trên mạng internet và bổ sung, sáng tạo thêm cho hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hoạt động giao lưu hơn nữa giúp đội văn nghệ mỗi ngày thêm tự tin và biểu diễn chuyên nghiệp. Và, cũng để cho mọi người thấy dân tộc Khơ Mú dù có số dân ít nhưng luôn có ý thức giữ gìn giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, những người yêu thơ, yêu nhạc còn thành lập thêm Câu lạc bộ thơ Hoa Ban và Câu lạc bộ nhảy Hướng Dương. Đây là 2 câu lạc bộ thành lập tự phát với nguồn hoạt động tự xã hội hóa và được chính quyền các cấp ghi nhận, động viên, tạo điều kiện tham gia nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ còn tự tổ chức giao lưu, tạo sự gắn kết bền chặt trong cộng đồng dân cư và đưa phong trào văn nghệ ngày càng phát triển, giúp đời sống tinh thần của người dân mỗi ngày thêm tươi mới, tạo động lực xây dựng cuộc sống no ấm, văn minh hơn.
Thị trấn Tân Uyên có 19/19 tổ dân phố, bản thành lập đội văn nghệ quần chúng với 347 thành viên. Ngoài nguồn hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, trong năm 2024, các đội văn nghệ thực hiện xã hội hóa 157,7 triệu đồng. Các tổ dân phố, bản quan tâm chỉnh trang, nâng cấp nhà văn hóa, bổ sung thiết bị như: loa, âm ly, micro… Hằng năm, UBND thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép với hội thi của các đoàn thể. Thường xuyên xây dựng chương trình tập luyện, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, tổ chức biểu diễn vào các dịp tết, lễ, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương và du khách đến tham quan tại cơ sở. Mỗi đội văn nghệ xây dựng chương trình phù hợp với chủ đề chung, đồng thời làm nổi bật được tiềm năng thế mạnh, bản sắc văn hóa của địa phương. Xây dựng, kết cấu, dàn dựng chương trình sáng tạo, hài hòa, có chất lượng. Nhiều tiết mục mang đậm bản sắc riêng có của dân tộc. Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch, hội thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội văn hóa… do trung ương, tỉnh, huyện, xã, bản tổ chức. Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, biểu diễn giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, tham quan, học tập trong và ngoài địa phương.
Hoạt động văn nghệ quần chúng góp phần rất lớn nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch sinh thái vùng chè, sản phẩm chè; giới thiệu đặc trưng, nét đẹp văn hóa của thị trấn Tân Uyên; tạo cơ hội và điều kiện cho các hộ gia đình, hợp tác xã liên kết, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè. Việc nâng cao chất lượng của các tiết mục văn nghệ quần chúng của mỗi dân tộc cũng gợi mở cho các cấp chính quyền quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thông qua các lớp phục dựng được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp tổ chức hằng năm.