Sôi nổi hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền trong trường học

Những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, một trong các chương trình ngoại khóa được nhiều trường học trong tỉnh tổ chức cho học sinh là trải nghiệm Tết cổ truyền với các hình thức, chủ đề: 'Tết sum vầy - Xuân chia sẻ', 'Hội chợ Xuân', 'Lễ hội mừng Xuân'... Trong đó, đã tái hiện không gian, phong tục và không khí ngày Tết cổ truyền dân tộc như gói bánh chưng, viết câu đối, bày mâm ngũ quả, làm hoa mai, hoa đào bằng giấy, tổ chức các trò chơi dân gian, phiên chợ quê ngày Tết...

Các cháu Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực) được trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết.

Các cháu Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực) được trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết.

Mấy năm nay, cứ vào dịp cuối năm, Trường Mầm non Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) lại tổ chức nhiều buổi học ý nghĩa liên quan đến ngày Tết cổ truyền cho học sinh như: Trang trí Tết, làm bánh chưng, bày mâm ngũ quả, đóng vai chúc Tết, cắt dán hoa đào..., cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm “Lễ hội Xuân” để giúp các em nhỏ hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền. Chuẩn bị cho hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền năm nay, nhà trường đang chuẩn bị tổ chức chương trình hoạt động với chủ đề “Lễ hội mừng Xuân” có sự tham gia của giáo viên, học sinh và đông đảo phụ huynh với nhiều hoạt động: Thi gói bánh chưng giữa phụ huynh các khối: Nhà trẻ, 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi; tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi vận động; tập bày mầm mũ quả, trang trí không gian ngày Tết tại các nhóm lớp; tổ chức chương trình “Lễ hội mừng Xuân” gồm: Văn nghệ chào mừng, tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ các tổ chức, tập thể, cá nhân. Tại chương trình lễ hội, các em học sinh còn được tham dự “Lễ hội ẩm thực 3 miền”. Tại đây có các gian hàng phục vụ các món ăn đặc trưng 3 miền, trong đó nhiều nhất là các đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Nam Định như: phở, bánh cuốn, bánh chưng, bánh tét, bánh rán, xúc xích, rau, củ, quả... Người tham gia có thể thưởng thức món ăn, tham gia các khâu chế biến... Qua đây vừa quảng bá vừa giáo dục các em hiểu về ý nghĩa, vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, quê hương.

Hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền được tổ chức theo nhiều hình thức tại nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh. Nếu như ở các trường mầm non, tiểu học, phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong khâu tổ chức, phối hợp cùng giáo viên trực tiếp hướng dẫn các con tham gia trải nghiệm Tết cổ truyền thông qua các hoạt động gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, thì tại các trường THCS, THPT học sinh lại mạnh dạn, tự tin, tự giác tham gia tất cả các hoạt động: gói bánh chưng; viết thư pháp, câu đối đỏ; Hội chợ Tết; chương trình văn nghệ mừng Xuân. Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định), vào dịp cuối năm những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức cho học sinh được trải nghiệm Tết cổ truyền thông qua nhiều hoạt động: Gói bánh chưng, viết thư pháp, câu đối đỏ, Hội chợ Tết, chương trình văn nghệ mừng Xuân, trò chơi dân gian, tặng quà học sinh nghèo vượt khó... Qua hoạt động gói bánh chưng, học sinh được tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, luộc bánh; giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của bánh chưng trong văn hóa ẩm thực và tinh thần của người Việt... Hội chợ Tết gồm các gian hàng bán đồ ăn, đồ handmade do học sinh tự chuẩn bị giúp các em học tập, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong đời sống sinh hoạt, làm quen với việc nhà, tìm hiểu các phong tục tập quán,... Tại Hội Xuân, các em cũng được tham gia biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc; các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi xe đạp chậm, bịt mắt bắt vịt, ném vòng cổ chai, nhảy dây, ném còn, bước chân đoàn kết... vừa giúp các em hiểu thêm về văn hóa dân gian, gắn kết học sinh với bạn bè, thầy cô, gia đình và có những giây phút thư giãn vui vẻ. Cô Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ chia sẻ: “Hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền được tổ chức hàng năm tại nhà trường để học sinh tìm hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, thêm yêu mến, tự hào và có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các em rất hào hứng và tích cực tham gia, điều này cho thấy sự kết nối giữa thế hệ trẻ với những giá trị cốt lõi của dân tộc. Không chỉ thế, hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền còn xây dựng tinh thần đoàn kết, giao lưu và sáng tạo trong môi trường học đường, gắn kết học sinh với gia đình và cộng đồng thông qua các phong tục Tết, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh; giúp các em có những phút giây thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau một học kỳ, tạo tâm thế thoải mái, vui tươi, phấn khởi khi bước vào học kỳ mới. Ngoài ra, thông qua các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, học sinh được phát huy năng lực, sở trường”.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều trường học còn tổ chức trải nghiệm Tết cổ truyền gắn với chủ đề “Tết yêu thương - Tết chia sẻ”, “Xuân gắn kết - Tết yêu thương” nhằm lan tỏa, giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Theo đó, cùng với các hoạt động trải nghiệm, các trường tổ chức các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, trao quà Tết tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích trong học tập. Từ đó góp phần lan tỏa, giáo dục học sinh về nghị lực vượt lên khó khăn, về đạo lý “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Em Lê Ngọc Khang, học sinh lớp 7A6, Trường THCS Hoàng Văn Thụ chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui và hào hứng khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền. Em học được cách gói bánh chưng và hiểu thêm về ý nghĩa của món ăn này trong ngày Tết. Hoạt động này giúp em thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng em gắn bó với bạn bè và thầy cô hơn và hiểu rằng giữ gìn phong tục là trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng em. Hơn thế nữa, tại “Hội Xuân”, nhà trường còn tổ chức tặng quà cho các bạn học sinh nghèo vượt khó, điều này giúp chúng em hiểu hơn, đồng cảm hơn đối với các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập”.

Tết cổ truyền với nhiều nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc đã và đang được gìn giữ, phát huy qua nhiều hình thức, trong đó có hoạt động trải nghiệm trong các trường học với nhiều hoạt động phong phú và sinh động, qua đó, ngày Tết đối với các em học sinh thiêng liêng và ý nghĩa hơn. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp đến và các chương trình vui xuân, đón Tết tại các trường học đang được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú giúp học sinh có thêm cơ hội được khám phá, tìm hiểu về những nét đẹp của phong tục cổ truyền của dân tộc - các giá trị văn hóa gắn với sự tồn tại và phát triển bền vững của dân tộc.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202412/soi-noi-hoat-dong-trai-nghiem-tet-co-truyen-trongtruong-hoc-a1e3275/
Zalo