Sôi nổi các hoạt động thể dục - thể thao ở Tri Tôn
Tri Tôn là huyện miền núi, dân tộc, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Xác định tầm quan trọng của công tác thể dục - thể thao (TDTT), các cấp chính quyền chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng các nội dung và phương pháp tổ chức các hoạt động TDTT thiết thực, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, góp phần đưa phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển.
9 tháng của năm 2024, phong trào tập luyện TDTT trong Nhân dân ở huyện Tri Tôn được duy trì và phát triển tốt. Số người tự tập luyện thể thao hàng ngày càng tăng. Các môn thi đấu được người dân luyện tập đông đảo, như: Quần vợt, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, xe đạp, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thể hình, bóng bàn, bi sắt, bơi lội… Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền Thanh huyện Tri Tôn Lê Quốc Bình cho biết, các hoạt động TDTT ở cơ sở trong 9 tháng của năm 2024 tiếp tục phát triển cả về nội dung và hình thức. Trung tâm đã phối hợp các địa phương mở 5 lớp sinh hoạt hè với các môn thể thao: Bóng đá, cầu lông, võ cổ truyền, Taekwondo, Vovinam. Đồng thời, mở các lớp phổ cập bơi cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi chưa biết bơi ở các xã, thị trấn. Qua triển khai, đã có 374 em biết bơi cơ bản...
Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền Thanh huyện Tri Tôn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao phục vụ nhu cầu người dân. Điểm mới hoạt động TDTT từ đầu năm đến nay là việc phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Hội thao chào mừng 45 năm tái lập huyện Tri Tôn, gồm các môn: Bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ và môn leo núi. Trong đó, môn leo núi đầu tiên được đưa vào thi đấu, được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi), với sự tham gia của 170 vận động viên. Giải đấu góp phần giới thiệu các địa điểm, di tích nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước, như: Điện Trời Gầm, hang Phụ nữ, hang hậu cần, hang Tuyên huấn...
Anh Trần Quốc Việt (công tác tại Trường THCS thị trấn Ba Chúc) cho biết: "Tôi cảm thấy rất vui khi lần đầu tiên tham gia hội thao này. Thời gian tới, mong rằng LĐLĐ huyện, ngành giáo dục thường xuyên tổ chức các hội thao để cán bộ, giáo viên có thể tham gia, giúp nâng cao sức khỏe, phục vụ tốt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và địa phương”.
Đặc biệt, huyện Tri Tôn đã tổ chức thành công Hội Đua bò truyền thống huyện Tri Tôn lần thứ 18/2024, với sự tham gia của 20 đôi bò đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động thường niên chào mừng Lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, góp phần phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc vùng núi, biên giới.
Trong 9 tháng của năm 2024, huyện Tri Tôn còn tham gia nhiều giải thể thao thành tích cao do tỉnh tổ chức. Trong đó, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tham gia môn bóng đá học sinh tiểu học tỉnh An Giang năm 2024, tại huyện Châu Phú, kết quả đạt giải vô địch. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động TDTT, huyện Tri Tôn luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực phát triển TDTT. Tiêu biểu là Nhà Thi đấu đa năng huyện Tri Tôn có sức chứa 1.000 chỗ, được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2024, phục vụ tổ chức các hoạt động TDTT chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, các lễ hội truyền thống của huyện.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh huyện Tri Tôn Lê Quốc Bình, những tháng còn lại của năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đồng thời, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động TDTT phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện trọng đại của đất nước và các ngày lễ, Tết của dân tộc. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT của người dân trên địa bàn huyện.