Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc: Giúp lan tỏa thói quen tốt

Vào thứ hai tuần tới (ngày 21-4), Thư viện tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ tư năm 2025. 'Các hoạt động nhằm tuyên truyền đến người dân nhận thức sâu sắc về giá trị, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội', bà Phan Diễm Thúy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Dương, cho biết.

Những hoạt động nhằm đưa sách đến gần hơn với người đọc ngày càng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Ảnh: L.T.PHƯƠNG

Tạo sân chơi cho các bạn trẻ

Sự kiện này cũng nhằm tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, lưu giữ, quảng bá sách; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nên nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Hiện nay, Thư viện tỉnh đang lưu giữ khoảng 600.000 bản sách. Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã và đang thay đổi, cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu điện tử để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa trên 20.000 trang tài liệu về địa chí Bình Dương; mua quyền truy cập khoảng 2 triệu tài liệu điện tử và mua bản quyền trên 2.000 bản sách nói để phục vụ các đối tượng bạn đọc của thư viện.

Năm nay, thực hiện kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025; chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh Bình Dương triển khai các hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam với thông điệp “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”. Trong đó, các hoạt động chính nhằm tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025; triển lãm sách mới, các tác giả, tác phẩm viết về Bình Dương; phối hợp các trường học phổ thông và đại học cấp thẻ thư viện cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên…

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng sự kiện này, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động, thu hút người dân tham gia. Cụ thể như Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP.Bến Cát phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” và Ngày hội đọc sách. Hội thi “Rung chuông vàng” thu hút 90 thí sinh là học sinh thuộc các trường THCS trên địa bàn tham gia. Ngoài hội thi trên, 400 em học sinh đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn còn được tham gia Ngày hội đọc sách hết sức ý nghĩa.

Trong khi đó, TP.Tân Uyên đã tạo một không gian triển lãm sách và thông tin chuyên đề nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), gắn liền với các sự kiện trọng đại như 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, giải phóng Tân Uyên và sinh nhật lần thứ 135 của Bác. Hoạt động bao gồm: Trưng bày sách, mô hình xếp sách nghệ thuật, xe sách lưu động, các trò chơi khuyến đọc…

Đây là những hoạt động ý nghĩa, làm phong phú thêm sân chơi cho các em học sinh; khuyến khích, tạo thói quen đọc sách trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Một triển lãm sách được tổ chức tại TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Q.NHƯ

Cùng chia sẻ những cuốn sách hay

Đọc sách là một hành trình khám phá. Mỗi người, dù ở độ tuổi nào, đều có cơ hội tìm thấy những giá trị riêng với sách. Với trẻ em, sách không chỉ là công cụ giúp phát triển tư duy, mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để khám phá thế giới xung quanh. Những câu chuyện cổ tích, những cuộc phiêu lưu kỳ thú trong sách giúp trẻ hình thành nhân cách, khơi dậy trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Ở lứa tuổi thanh niên, sách trở thành người bạn đồng hành, giúp họ tìm hiểu về các vấn đề xã hội, triết lý sống và những giá trị nhân văn. Những cuốn sách về tâm lý học, khoa học, hay các tác phẩm văn học kinh điển mở ra những góc nhìn mới, giúp giới trẻ định hình tư duy và phát triển bản thân.

Đọc sách cũng giúp mở rộng kiến thức chuyên môn, giúp người lao động nâng cao kỹ năng và đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của công việc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, việc đọc sách trở thành yếu tố then chốt giúp mỗi cá nhân không ngừng phát triển và thích ứng.

Hướng tới Ngày sách Việt Nam (21-4), không chỉ đơn thuần là kỷ niệm một sự kiện, mà còn là cơ hội để mỗi người khơi dậy tình yêu sách, lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của văn hóa đọc. Hãy cùng nhau tham gia, chia sẻ những cuốn sách yêu thích, những câu chuyện cảm động và cùng nhau khuyến khích mọi người, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi tìm về với thế giới của những trang sách. Bởi vì khi đọc, chúng ta không chỉ tiếp thu tri thức, mà còn xây dựng một cộng đồng văn minh, một xã hội phát triển bền vững. Ngày hội đọc sách chính là khởi đầu cho một hành trình mới, nơi tri thức và văn hóa được tôn vinh và phát huy.

Nói chuyện về vai trò của sách cho hàng trăm học sinh

Trường Tiểu học Bình Nhâm (TP.Thuận An) vừa phối hợp tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) cho các em học sinh.

Tại chương trình, Thạc sĩ Phạm Thị Minh Tâm (Giảng viên chính Khoa Thư viện, trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh) đã chia sẻ về vai trò của sách trong đời sống; hướng dẫn học sinh phương pháp đọc sách đúng cách, khoa học, để từ đó mỗi trang sách trở thành người bạn đồng hành trong hành trình trưởng thành.

Chương trình do Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An phối hợp với trường Tiểu học Bình Nhâm tổ chức, nhằm góp phần truyền cảm hứng, khơi dậy niềm yêu sách trong học sinh tiểu học, hướng các em đến thói quen đọc sách mỗi ngày, từ đó hình thành văn hóa đọc ngay từ lứa tuổi học đường.

MINH HIẾU

T.PHƯƠNG - Q.NHƯ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/soi-noi-cac-hoat-dong-huong-ung-ngay-sach-va-van-hoa-doc-giup-lan-toa-thoi-quen-tot-a345525.html
Zalo