Sôi động thị trường nhạc Việt
Trong 3 tháng cuối năm, thị trường nhạc Việt chứng kiến sự bùng nổ của các concert với lượng khán giả kỷ lục. Điều này cho thấy công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt để đáp ứng được nhu cầu nghe nhạc của khán giả thời đại mới. Vấn đề là làm thế nào để phát triển đường dài chứ không chỉ là câu chuyện mang tính hiệu ứng nhất thời.
Đa dạng các “món ăn”
Hai concert của “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” diễn ra cùng ngày 19/10 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ anh trai đã làm bùng nổ mạng xã hội lẫn báo đài, đồng thời kéo thị trường concert trong nước lập "đỉnh" chưa từng có.
Đầu tiên là concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” thu hút khoảng 20.000 khán giả và sau đó concert thứ hai của “Anh trai say hi” cũng chẳng kém cạnh khi có tới 15.000 khán giả. Trước đó, đêm đầu tiên của “Anh trai say hi” cũng có lượng khán giả kỷ lục 15.000. Như vậy tới thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng hai show Anh trai gộp lại đã khoảng 50.000 khán giả. Con số này sẽ còn tăng khi hai show đều có thêm concert ở Hà Nội vào tháng 12 tới, hiện các fan hâm mộ đã săn lùng mua vé dù chưa có thông tin chính thức về show diễn.
Thành công của công thức game show ca nhạc và concert sẽ là cú hích để từ nay đến cuối năm, các chương trình “Chị đẹp đạp gió”, “Rap Việt” và “Our song - Bài hát của chúng ta” sẽ có thêm concert. Năm ngoái, concert Rap Việt All star thu hút khoảng 10.000 khán giả và đến giờ vẫn là game show được chú ý, nên nếu tổ chức concert chắc chắn, lượng khán giả cũng không nhỏ.
Tuy nhiên, đời sống nhạc Việt hiện tại không chỉ có live concert từ các game show đình đám mà còn có những live show, live concert cá nhân lẫn những lễ hội âm nhạc chất lượng cao diễn ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay tối 19/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, đại nhạc hội indie Hội - Thuần - Hội vẫn thu hút gần 10.000 khán giả, quy tụ hầu hết những cái tên nghệ sĩ "máu mặt" trong làng indie Việt. Và mới đây nhất, concert “Bảo tàng của nuối tiếc” của Vũ diễn ra tại công viên Yên Sở cũng thu hút lượng khán giả kỷ lục: 14.000 người. (Trước đó, concert này tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với 8.000 khán giả). Vũ và “Bảo tàng của nuối tiếc” lập kỷ lục trong năm vì một show diễn cá nhân có lượng khán giả đông nhất. Hai đêm concert của cá nhân Vũ đã góp thêm hơn 20.000 khán giả vào "đại chiến" concert cuối năm.
Ngoài ra còn có đại nhạc hội 8Wonder và nhiều concert khác của Đức Trí, Quốc Thiên, Hồng Nhung, Tùng Dương, Thịnh Suy, Hải Bột, Quyếch... đã hoặc sắp diễn ra trong quý này. Concert “Những thành phố mơ màng” sắp diễn ra với dàn line-up “gây thương nhớ” ở ba miền như Đen, Low G, Tlinh, VSTRA, Marzuz, The Cassette, Chillies, HIEUTHUHAI, Wren Evans cùng nhiều nghệ sĩ & ban nhạc khác.
Lễ hội âm nhạc quốc tế “Hò Dô” tại thành phố Hồ Chí Minh và lễ hội âm nhạc “Bright Fest 2024 - Thu hẹp khoảng cách” tại Hà Nội không bán vé như các sự kiện nhạc khác nhưng cũng góp phần cộng hưởng, khiến thị trường ca nhạc càng trở nên sôi động, hấp dẫn. Ngoài ra, ở một địa hạt âm thầm hơn, quy mô nhỏ hơn, mảng âm nhạc cổ điển cũng có rất nhiều buổi hòa nhạc diễn ra ở Nhà hát Hồ Gươm hay phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhà hát lớn, các minishow cổ điển ở hai miền Nam - Bắc…
Rõ ràng, đời sống âm nhạc đã khá đa dạng và khán giả Việt có nhiều món ăn để lựa chọn. Nếu thích một concert đẳng cấp, hoành tráng, trẻ trung và theo trend có thể đi concert của hai show Anh trai. Phạm vi nhỏ hơn thì có concert của Hồng Nhung, Tùng Dương, Uyên Linh... Ai thích những nghệ sĩ theo hướng indie, có ngay concert của Vũ, Hải Bột, Thịnh Suy, Quyếch hoặc đại hội Hội - Thuần - Hội... Ngoài ra, khán giả yêu cổ điển có thể lựa chọn các concert của các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam như các đêm diễn ở nhà hát Hồ Gươm, concert “Những giai điệu vượt thời gian” tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia, concert “The Road I Took” của nghệ sĩ đa tài Philip Quast - huyền thoại nhạc kịch thế giới… Nhạc sĩ Quốc Trung và nhà hát Hồ Gươm đã và đang nỗ lực đưa những nghệ sĩ, chương trình cổ điển nổi tiếng thế giới đến Việt Nam. Tuy lượng khán giả ở những show diễn cổ điển không thể so sánh với các đêm nhạc pop, nhưng rõ ràng, sự xuất hiện thường xuyên của các đêm diễn này cho thấy đời sống âm nhạc Việt đã đa dạng hơn, phong phú hơn, phục vụ được nhiều đối tượng khán giả khác nhau.
Đến bây giờ show diễn “Tri âm” của Mỹ Tâm tại sân vân động Quốc gia Mỹ Đình với 30.000 khán giả vẫn là một kỷ lục của nghệ sĩ Việt đầu tiên và duy nhất tới thời điểm đó có khả năng thu hút một lượng khán giả đông đến vậy. Tháng 7 năm ngoái, hai đêm concert Black Pink ở Hà Nội thu hút 67.443 khán giả với tỉ lệ "cháy vé" 100% và có doanh thu 13.660.064 USD (hơn 333,4 tỉ đồng), theo thống kê của Touring Data. Sự xuất hiện của các cô gái Hàn Quốc tại Việt Nam được đánh giá đã mang đến “một cuộc cách mạng cho thị trường tổ chức biểu diễn ở nước ta”. Và hiện thực trong thời gian vừa qua đã chứng minh điều đó, khi công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam đang từng bước phát triển. Thị trường khán giả nội địa rõ ràng là một “vỉa quặng” vàng cần được khai phá.
Đầu tư chiều sâu để tiệm cận với quốc tế
Rõ ràng, những cơn sốt từ các đêm diễn trong thời gian qua cho thấy sự bùng nổ của đời sống âm nhạc Việt. Và tiềm năng của khán giả Việt rất lớn nếu các show diễn được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, hai concert “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” thu hút lượng khán giả đông đảo không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp văn hóa, mà còn là một minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong cách khán giả Việt Nam tiếp cận và tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật.
"Điều này cho thấy, nếu chúng ta đầu tư bài bản vào chất lượng nội dung, từ dàn dựng sân khấu, âm nhạc đến trải nghiệm tổng thể của khán giả thì sẽ có sự hưởng ứng mạnh mẽ từ công chúng. Sự thành công của các concert này không chỉ tạo ra cơ hội kinh tế cho ngành giải trí mà còn khẳng định rằng, văn hóa biểu diễn ở Việt Nam đang ngày càng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Nó cũng góp phần xây dựng niềm tin của khán giả trong nước vào giá trị của nghệ thuật nội địa, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh và sáng tạo hơn trong ngành công nghiệp văn hóa" - chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định.
Đó cũng là minh chứng cho sự phát triển của thị trường và công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam. Sự xuất hiện của BlackPink năm 2023 cho thấy thị trường của Việt Nam rất tiềm năng. Cũng từ đây, những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước đã có cái nhìn thực tiễn hơn về việc tổ chức sản xuất và vận hành một show diễn lớn, tháo gỡ những rào cản để thông đường băng cho ngành công nghiệp biểu diễn.
Ông Nguyễn Thùy Dương, chủ tịch IB Group Việt Nam, đơn vị đưa nhiều nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, mới đây nhất là ban nhạc Bond đến từ nước Anh, chia sẻ rằng, hiện nay, với những chương trình biểu diễn trong nhà nước ta đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo ông Dương hạ tầng biểu diễn cho các chương trình với quy mô tham dự lớn hơn thì chưa nơi nào đạt chuẩn quốc tế cho trình diễn âm nhạc đỉnh cao. Để Việt Nam thực sự có nền công nghiệp biểu diễn đạt chuẩn thế giới thì đầu tiên cần có hạ tầng cho biểu diễn, xây dựng các địa điểm dành cho trình diễn chuyên nghiệp kèm theo dịch vụ hậu cần đi theo. Chưa kể các chính sách tiếp cận nguồn vốn cho mảng này, chiến lược đào tạo nhân sự, những ưu đãi hỗ trợ phát triển của Chính phủ...
Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng khẳng định: “Những nhà tổ chức quốc tế thấy ở đây một thị trường tiềm năng và rộng lớn, dân số trẻ, lại có khả năng chi cho âm nhạc, chắc chắn là một địa chỉ lưu diễn mới trong khu vực. Họ rất muốn hợp tác nhưng chuyện địa điểm tổ chức lại khiến họ băn khoăn. Ta có tiềm năng nhiều nhưng hạ tầng chưa theo kịp. Tôi nghĩ nếu muốn gây dựng công nghiệp biểu diễn thực sự, trước hết ta phải quan tâm tới vấn đề này. Đây là một chuyện rất cấp bách”.