Sôi động hoạt động múa lân, sư, rồng
Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện hay lễ hội..., những màn múa lân, sư, rồng luôn có sức hút đặc biệt đối với đông đảo công chúng.
Theo quan niệm dân gian, hình ảnh lân, sư, rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng và mang đến nhiều điềm lành. Động tác biểu diễn trong hầu hết những màn múa lân, sư, rồng thường gắn liền với một số linh vật quen thuộc và tùy theo từng loại hình lễ hội, sự kiện, các đội múa lân, sư, rồng sẽ lựa chọn những bài biểu diễn phù hợp. Tiết mục múa lân, sư, rồng trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ hội làng, hoặc động thổ công trình, dự án, khai trương cửa hàng, cửa hiệu, nhà máy… thì những người múa thường biểu diễn các động tác tượng trưng cho ngọn lửa khởi đầu ấn tượng, mong một sự khởi đầu may mắn, hanh thông và thành công.
Nhắc đến những màn biểu diễn múa lân, sư, rồng đặc sắc và ấn tượng tại các lễ hội, sự kiện, nhiều người nghĩ đến đội múa lân, sư, rồng Trí Dũng Đường (phường Quang Trung, Thành phố Phủ Lý). Được thành lập từ năm 2014, đến nay đội múa lân, sư, rồng Trí Dũng Đường có khoảng 30 thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, hoạt động rất tích cực, sôi nổi và nhận nhiều lời mời biểu diễn tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như: khai trương Trung tâm thương mại GO! Hà Nam, khánh thành Trung tâm Huấn luyện thể thao Thành Danh, khai trương các cửa hàng hay biểu diễn nhân dịp Tết Trung thu... Tại chương trình Đêm hội Phủ Lý lung linh sắc màu 2024 cuối tháng 9/2024 vừa qua, đội múa lân, sư, rồng Trí Dũng Đường đã mang đến cho người xem màn biểu diễn hấp dẫn với nhiều động tác cực khó thu hút sự tán thưởng nồng nhiệt của công chúng tham dự. Từ bài "Song Hỉ" hay "Tứ Quý Hưng Long" với 4 con lân hợp múa đều đặn, uyển chuyển theo tiếng trống lúc nhẹ nhàng, khi lại dồn dập liên hồi. Bài biểu diễn biểu trưng cho bốn mùa, bốn phương, diễn tả sự trường thọ, hạnh phúc và khỏe mạnh, dẻo dai. Anh Nguyễn Tiến Dũng (phụ trách đội múa lân, sư, rồng Trí Dũng Đường) cho biết: Múa lân, sư, rồng đòi phải có niềm đam mê. Để có một bài biểu diễn lân đẹp mắt người múa phải khổ luyện trong thời gian vài ba tháng. Những bài tập được thực hiện từ dễ đến khó; ngoài sự khéo léo, múa lân, sư, rồng đòi hỏi người biểu diễn phải có thể lực tốt, dẻo dai, tính kiên trì, cẩn thận, phải có tinh thần luyện tập bền bỉ, nhằm diễn tả đúng thần thái uy nghiêm, mạnh mẽ của các linh vật. Vì vậy, sự kết hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, động tác dứt khoát, mạnh mẽ là yếu tố cần có của người tham gia múa lân, sư, rồng. Cùng với đó, để có những bước di chuyển nhịp nhàng, từ cái lắc đầu, vẫy tai đến những điệu nhảy thanh thoát, chính xác, đôi bạn múa phải phối hợp ăn ý, hiểu nhau trong từng động tác. Hầu hết, những người múa lân, sư, rồng chuyên nghiệp thường là những người được luyện võ tại các lò võ, các trung tâm huấn luyện. Họ đã có nền tảng cơ bản, nên chỉ cần học nhuyễn các bài biểu diễn là có thể di chuyển, xử lý các tình huống thuần thục, mang lại những màn biểu diễn ấn tượng cho người xem.
Múa lân, sư, rồng là sự kết hợp độc đáo nghệ thuật dân gian. Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba linh vật với nhau. Các động tác được sử dụng trong nghệ thuật múa lân, sư, rồng đều mang đậm nét đặc trưng của võ vật cổ truyền Việt Nam. Tham gia biểu diễn trong màn múa lân tại lễ khai mạc Giải Taewondo tỉnh Hà Nam lần thứ I, em Mai Thế Khang (thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn múa lân Tượng Lĩnh, Kim Bảng) hào hứng chia sẻ: Em đến với múa lân, sư, rồng vì niềm đam mê. Mỗi khi biểu diễn, để thể hiện được thần thái, vóc dáng của các linh vật em phải tìm hiểu kỹ từ dáng đi cho đến động tác lắc đầu, chớp mắt... để khi biểu diễn khán giả như được liên tưởng đến các con vật có trong dân gian và phấn khích vỗ tay tán thưởng. Em mong muốn có nhiều “sân chơi” để được giao lưu giữa các đoàn, đội để mỗi thành viên chúng em có cơ hội học hỏi, trải nghiệm.
Xã hội hiện đại với sự ra đời của ngày càng nhiều loại hình vui chơi giải trí đa dạng, phong phú, tuy nhiên, múa lân, sư, rồng vẫn luôn khẳng định được sắc thái độc đáo cùng sự cuốn hút riêng với đông đảo công chúng. Bộ môn này đã và đang được “giữ lửa” bởi những người trẻ, luôn tâm huyết hết mình với niềm đam mê cũng như gìn giữ được nét riêng vốn có của múa lân, sư, rồng. Tại Hà Nam, liên hoan múa lân, sư, rồng là hoạt động thường niên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì tổ chức vào dịp đầu năm mới. Theo quan niệm dân gian, múa, lân, sư, rồng đầu năm mang ý nghĩa cầu mong sự thịnh vượng, phát tài, hạnh phúc, mong muốn một năm mới đủ đầy. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để các đội lân, sư, rồng trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong biểu diễn, góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.