Sóc Trăng thực hiện hiệu quả nhiều chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành nghị quyết Chương trình chuyên đề và giao cho từng sở, ban, ngành liên quan thực hiện các chuyên đề của Chương trình, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, phục vụ xây dựng NTM. Đặc biệt thông qua triển khai thực hiện chuyên đề sẽ giúp tỉnh hoàn thành đúng kế hoạch về xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã triển khai Chương trình chuyên đề, trong đó có Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn. Sau khi triển khai thực hiện Chương trình trên, tính đến nay tỉnh đã đầu tư 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, với công suất thiết kế là 320 tấn rác thải sinh hoạt/ngày; đưa vào vận hành 30 bãi chôn lấp rác tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã và đầu tư thí điểm 5 lò đốt rác thải sinh hoạt cấp huyện và cấp xã để phục vụ công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về bãi rác của từng địa phương. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn sống nông thôn mới hằng năm, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương thùng chứa rác thải sinh hoạt, thùng thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và tuyên truyền người dân các quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn đạt trên 62%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 100%.
Về cấp nước sạch nông thôn, UBND tỉnh ban hành Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2030. Trong 3 năm thực hiện Đề án, Sóc Trăng đã xây dựng mới 7 trạm cấp nước tập trung ở các xã như: Châu Khánh, Tân Hưng (huyện Long Phú); Kế Thành (huyện Kế Sách); Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú); Lâm Tân, Châu Hưng (huyện Thạnh Trị); Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên) và xây dựng 1 trạm bơm cấp nước tại cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách). Nâng cấp, mở rộng tuyến ống mạng cấp nước dài hơn 491.500m, phục vụ cấp nước cho 12.060 hộ. Lắp đặt mới 20.377 đồng hồ nước trên địa bàn nông thôn, tổng sản lượng nước tiêu thụ 49.652.312m3. Hiện tại, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung hơn 64%.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình chuyên đề, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả nổi bật đó là tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn triển khai Chương trình OCOP đến lãnh đạo các cấp từ huyện đến cơ sở; in, phát hành hơn 95.000 tờ rơi tuyên truyền về Chương trình OCOP; cấp phát hơn 654.000 tem logo OCOP cho các sản phẩm được xếp hạng sao OCOP. Xây dựng 10 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố; quảng bá 114 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 263 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao OCOP; 26 sản phẩm đạt 4 sao OCOP và còn lại đạt 3 sao OCOP.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hưng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, bên cạnh thực hiện Chương trình chuyên đề về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn và Chương trình OCOP, thì trong đó Chương trình Chuyên đề chuyển đổi số trong xây dựng NTM cũng được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện rất hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả nổi bật là 100% các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn đều có kết nối mạng nội bộ và kết nối internet; 100% thủ tục hành chính cấp xã được tích hợp vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa điện tử của tỉnh; hơn 70% hộ dân có sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet; tỷ lệ hộ dân thanh toán trực tuyến đạt hơn 50%; đã đầu tư loa truyền thanh thông minh cho 113 cụm ở một số xã trên địa bàn tỉnh…
“Thông qua sự quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, trong đó việc kịp thời xây dựng các Chương trình chuyên đề để thực hiện Chương trình đã góp phần cho tỉnh đạt đúng các kế hoạch, mục tiêu tỉnh đề ra đối với lộ trình công nhận các xã đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, thông qua thực hiện Chương trình chuyên đề nêu trên, góp phần đảm bảo Chương trình triển khai được thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn”, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sóc Trăng thông tin.