Sóc Trăng thúc đẩy phong trào học tập suốt đời
Sinh thời, mong ước lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân tộc được độc lập, đất nước được hòa bình, tự do, mỗi người dân đều có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác đã từng căn dặn: 'Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm'. Những năm qua, cùng với cả nước, cả hệ thống chính trị của Sóc Trăng phát huy mạnh mẽ phong trào xây dựng xã hội học tập (XHHT).
Nhất quán quan điểm về xây dựng xã hội học tập
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, Đảng ta chủ trương xây dựng XHHT. Chỉ thị số 11/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa X), ngày 13/4/2007 khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và yêu cầu “Xác định xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta”.
Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội”…
Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030” với quan điểm chỉ đạo: Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.
Như chúng ta đã biết, XHHT là một xã hội trong đó mọi người dân đều có nhu cầu và nghĩa vụ học tập; mọi người đều được tạo cơ hội và điều kiện học tập và mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp cho việc học tập của mọi người. Nhiệm vụ của XHHT là làm cho mọi người, từ trẻ đến già đều cần thấy phải học tập và học suốt đời, xem học tập như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Trong XHHT, quan niệm về học được mở rộng. Học không chỉ là học văn hóa mà còn phải học các kiến thức, kỹ năng khác để làm việc, để sáng tạo, để làm người, để sống tốt hơn, thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Việc học không chỉ diễn ra trong nhà trường, mà còn diễn ra trong cuộc sống xã hội, tập thể, gia đình, bạn bè, học mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện.
Các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập luôn đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của mọi người, mọi nhà nên được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và trở thành phong trào sâu rộng, bền vững. Có thể nói, việc xây dựng một XHHT là cách tốt nhất để hạn chế các hành vi, hoạt động không lành mạnh, tác động rõ rệt đến tình hình đảm bảo trật tự an ninh, an toàn trong cộng đồng.
Hưởng ứng phong trào học tập suốt đời
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cả cộng đồng trong tỉnh Sóc Trăng luôn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng XHHT, nhằm vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, thông qua phong trào “Học không bao giờ cùng” của các cấp hội khuyến học trong tỉnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với mục tiêu làm cho mọi người dân tùy theo điều kiện đều học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo lời dạy của Bác Hồ.
Ông Nguyễn Bá Nhiệm - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cho biết, các cấp hội thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nhằm tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng mặt trận khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, các mô hình học tập sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp gần 500 ngàn hội viên khuyến học (đạt tỷ lệ 39%); 93.402 cán bộ, viên chức và người dân đăng ký xây dựng danh hiệu “Công dân học tập” (đạt tỷ lệ 16,27%); 156.688 gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình học tập” (đạt tỷ lệ 42,89%); 2.038 dòng họ đăng ký danh hiệu “Dòng họ học tập” (đạt tỷ lệ 45,20%); 767 cộng đồng đăng ký danh hiệu “Cộng đồng học tập” (đạt tỷ lệ 96,97%); 923 đơn vị đăng ký danh hiệu “Đơn vị học tập” (đạt tỷ lệ 99,25%).
Theo lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng đã vận động và trao 65.801 suất học bổng các loại cho học sinh, sinh viên, với tổng số tiền trên 45,8 tỷ đồng. Đồng thời vận động xây dựng 26 căn nhà khuyến học cho học sinh khó khăn về nhà ở để các em yên tâm học tập tốt, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, các đơn vị trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 (từ ngày 1/10/2024 đến ngày 7/10/2024). Năm nay, chủ đề “Phát triển Văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” nhằm mục đích nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.
Qua đó, các đơn vị có liên quan tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Có thể nói, việc xây dựng XHHT, học tập suốt đời luôn là vấn đề đáng quan tâm thúc đẩy trong thời đại hiện nay. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.