Sóc Trăng nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI

Thời gian qua, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, theo kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Sóc Trăng xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố cả nước. Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc nhằm cải thiện hơn nữa Chỉ số PCI.

Nhiều tiêu chí thành phần được đánh giá cao

Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần với 142 chỉ tiêu đánh giá. Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2023 của VCCI, tỉnh Sóc Trăng đạt 65,97 điểm, tăng 0,8 điểm nhưng lại giảm 6 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố cả nước; xếp thứ 9/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, giảm 2 bậc so với năm 2022. Mặc dù kết quả chung không đạt như kỳ vọng nhưng tỉnh có 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm, thăng hạng, bao gồm các chỉ số: tính năng động và tiên phong của chính quyền; chi phí thời gian; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số đào tạo lao động.

Trong đó, Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền đạt 6,75 điểm trong năm 2023, xếp thứ 33 so cả nước, tăng 0,35 điểm, tăng 18 bậc so năm 2022. Đây là chỉ số tăng hạng nhiều nhất so với năm 2022. Bởi doanh nghiệp ngày càng tin tưởng lãnh đạo tỉnh đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời năng động, sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề. Kết quả này được minh chứng bằng những hội nghị gặp gỡ, đối thoại được UBND tỉnh tổ chức định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trong tỉnh. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh hầu như được giải quyết 100%.

Ông Đỗ Tuấn Dũng - Nhà sáng lập, điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Focuz Việt Nam cho biết, khi đầu tư tại Sóc Trăng, có phát sinh những vướng mắc đều được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kịp thời các sở, ngành tháo gỡ. Nhờ đó, khó khăn của doanh nghiệp đã được giải quyết, góp phần giúp doanh nghiệp triển khai các dự án thuận tiện rất nhiều.

Việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng định kỳ gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã được doanh nghiệp đánh giá cao Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền. Ảnh: HOÀNG LAN

Việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng định kỳ gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã được doanh nghiệp đánh giá cao Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền. Ảnh: HOÀNG LAN

Cùng với đó, Chỉ số thời gian đạt 8,03 điểm trong năm 2023, xếp thứ 17 cả nước, tăng 0,54 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2022. Đây là một trong những chỉ số được cải thiện rõ rệt trong năm 2023, với tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các chỉ tiêu thành phần từ 76% trở lên. Điều này ghi nhận những nỗ lực từ các sở, ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Chỉ số hỗ trợ chính sách doanh nghiệp đạt 6,37 điểm, xếp thứ 34 so cả nước, tăng 0,64 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2022 và được đánh giá có cải thiện với những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua. Nhìn chung, trên 65% doanh nghiệp được hỏi đánh giá các thông tin và thủ tục để thụ hưởng một số chính sách của tỉnh dễ tiếp cận như: chính sách miễn giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo, chi phí đào tạo nghề, tiếp cận tín dụng…

Theo đồng chí Ngô Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục khi đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, tỉnh thực hiện hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư bằng các ứng dụng mạng xã hội, điện thoại di động... Hỗ trợ tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến qua trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkyquamang.dkkd.gov.vn), trả kết quả đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích… Qua đó, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Cần phải tiếp tục cải thiện

Bên cạnh kết quả đạt được, Chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn hạn chế. Nhiều chỉ số thành phần có tăng điểm nhưng giảm hạng, thậm chí giảm điểm và giảm thứ hạng vì doanh nghiệp chưa đánh giá cao. Đơn cử là Chỉ số Gia nhập thị trường chỉ đạt 7,41 điểm trong năm 2023, xếp thứ 24 cả nước, tăng 0,2 điểm, giảm 17 bậc so với năm 2022. Đây cũng là chỉ số giảm bậc nhiều nhất năm 2023 của tỉnh. Chỉ số Chi phí không chính thức chỉ đạt 7,11 điểm trong năm 2023, xếp thứ 29 cả nước, giảm 0,16 điểm, giảm 13 bậc so với năm 2022. Hay chỉ số tính minh bạch năm 2023 đạt 5,97, xếp thứ 36 cả nước, giảm 0,18 điểm, giảm 11 bậc so với năm 2022.

Nguyên nhân dẫn đến các chỉ số trên giảm bởi theo đánh giá của doanh nghiệp, họ cần phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức để công việc đạt được kết quả mong đợi, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn phổ biến ở các lĩnh vực. Doanh nghiệp cho rằng, các tài liệu cần thiết cho hoạt động đầu tư, kinh doanh như tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý của tỉnh tương đối dễ tiếp cận. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn ở vị trí thấp so với các tỉnh/thành trong cả nước. Ngoài ra, không quá 50% doanh nghiệp quan sát thấy minh bạch trong đấu thầu…

Thời gian tới, Sóc Trăng cần minh bạch hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính để tạo lực hút nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: HOÀNG LAN

Thời gian tới, Sóc Trăng cần minh bạch hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính để tạo lực hút nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: HOÀNG LAN

Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường cung cấp thông tin, tài liệu thông qua việc xây dựng các kênh thông tin chính thống, hữu ích. Tiếp tục nâng cao, cải tiến chất lượng các website của các đơn vị trong tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đúng, đủ, công khai, minh bạch các thủ tục trong đấu thầu, kê khai thuế qua mạng. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; trách nhiệm của người đứng đầu của các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của Chỉ số PCI. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện, góp phần xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đi vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực chất của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao tính minh bạch, bình đẳng thông qua việc công khai đầy đủ, kịp thời những thông tin người dân, doanh nghiệp cần biết và được biết theo đúng quy định.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chỉ số PCI, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương để phối hợp thực hiện, nhằm cải thiện Chỉ số PCI, phấn đấu đưa tỉnh đạt top 30 trong năm 2024, top 25 vào năm 2025 và duy trì vào top 20 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo, tạo lực hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Sóc Trăng.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/trong-tinh/202410/soc-trang-no-luc-cai-thien-chi-so-pci-73f4639/
Zalo