Sóc Trăng: Năm 2024 có 11 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư vốn đăng ký hơn 7.100 tỷ đồng
Theo báo cáo tỉnh Sóc Trăng, để mời gọi doanh nghiệp và thu hút đầu tư, trong năm 2024, tỉnh tiếp và làm việc với 90 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Có 11 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 7.182 tỷ đồng. Có 505 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó, có 420 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,14%) và 85 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 44%)…
Về kinh tế, trong năm, 24 chỉ tiêu nghị quyết, có 15 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7% (đạt chỉ tiêu nghị quyết), trong đó, khu vực I tăng 3,94%; khu vực II tăng 10,3%; khu vực III tăng 8,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,85%. GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng/người/năm, vượt gần 5,2% chỉ tiêu nghị quyết. Cơ cấu kinh tế khu vực I - II - III tương ứng là 40,97% - 16,18% - 39,77%, cơ bản đạt chỉ tiêu nghị quyết.
Tỉnh tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục có chuyển biến tốt. Trong năm, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Châu Thành, Cù Lao Dung). Tính đến nay, toàn tỉnh có 75/80 xã nông thôn mới (trong đó có 29 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: Mỹ Xuyên, Châu Thành, Cù Lao Dung, thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu.
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD (tăng 19,4%); trong đó xuất khẩu thủy sản 1 tỷ USD (tăng 10,5%), xuất khẩu gạo 680 triệu USD (tăng 45%). Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch khởi sắc. Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 103.000 tỷ đồng, tăng 17%. Trong năm, tỉnh đón 3,13 triệu lượt khách du lịch (tăng 7,9%); doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.857,9 tỷ đồng (tăng 20%). Thu ngân sách vượt dự toán. Tổng thu cả năm ước đạt 5.618 tỷ đồng, vượt 12,29% dự toán và tăng 13,5% so với năm trước.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng và thuộc nhóm cao nhất. Cụ thể, tăng thứ hạng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ nhất các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng; nguồn nhân lực của tỉnh tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng. Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% (vượt chỉ tiêu nghị quyết). Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 103.000 tỷ đồng, vượt 14,4% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt 1.800 triệu USD, vượt 20% chỉ tiêu nghị quyết, tăng gần 20% so năm 2023. Giá trị nhập khẩu ước đạt 200 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2023. Trong năm, toàn tỉnh đón 3,12 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 7,9% so cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 1.858 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023. Số hộ nghèo giảm trong năm là 500 hộ, đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 85,15%, đạt kế hoạch và tăng 2,54% so với năm 2023.
Năm 2025, tỉnh tập trung huy động vốn phát triển hạ tầng giao thông, mở ra các không gian phát triển kinh tế mới. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; ưu tiên hàng đầu là Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Kịp thời sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi các quy định hành chính cản trở sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sẵn sàng cho việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhân rộng các mô hình làm kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp gắn với du lịch. Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử…