Sóc Trăng mang nước sạch đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng, một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hơn 35,4% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chủ yếu là người Khmer và Hoa. Nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, chính quyền tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là trong việc cung cấp nước sinh hoạt thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).

Sóc Trăng triển khai các giải pháp hỗ trợ nước sạch cho đồng bào DTTS (Ảnh: Vietnamplus)

Sóc Trăng triển khai các giải pháp hỗ trợ nước sạch cho đồng bào DTTS (Ảnh: Vietnamplus)

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt vào mùa khô, ngày càng trở nên nghiêm trọng do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện nay, khoảng 21.318 hộ dân tại 36 xã, phường trên toàn tỉnh đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Trần Đề là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất, khi người dân còn phải sử dụng nguồn nước kém chất lượng. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 của Chương trình. Mục tiêu của Dự án là cải thiện điều kiện sống cho các hộ DTTS nghèo và các hộ nghèo người Kinh sinh sống tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn, đồng thời thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng đồng bào DTTS và bình quân chung của tỉnh.

Ngày 7/12/2023, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 118/NQ-HĐND về phân bổ vốn ngân sách năm 2024 cho Dự án. Tổng số vốn được phân bổ cho Ban Dân tộc tỉnh là 2.871 triệu đồng, trong đó các địa phương được nhận kinh phí hỗ trợ gồm: thị xã Vĩnh Châu (282 triệu đồng), huyện Thạnh Trị (330 triệu đồng), huyện Mỹ Xuyên (39 triệu đồng), huyện Châu Thành (78 triệu đồng), huyện Kế Sách (1.899 triệu đồng), huyện Long Phú (66 triệu đồng), huyện Trần Đề (174 triệu đồng) và huyện Cù Lao Dung (3 triệu đồng).

Các sở, ban, ngành tỉnh Sóc Trăng đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp nước sạch cho đồng bào DTTS. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nghiên cứu, triển khai các dự án cấp nước sinh hoạt, đặc biệt tại những vùng bị hạn hán và xâm nhập mặn. Sở Xây dựng giám sát tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo chất lượng công trình. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính quản lý và phân bổ nguồn vốn, đảm bảo dự án được thực hiện hiệu quả và đúng tiến độ.

Bên cạnh vai trò của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Sóc Trăng cũng đóng góp không nhỏ vào quá trình giám sát và tuyên truyền. MTTQ tỉnh không chỉ tổ chức các buổi tuyên truyền về lợi ích của nước sạch và vệ sinh môi trường mà còn phối hợp với các cơ quan chức năng để thu thập ý kiến của người dân, đánh giá hiệu quả các dự án cấp nước và phản ánh các vấn đề phát sinh. Đồng thời, MTTQ cũng đóng vai trò trong công tác giám sát việc triển khai các công trình nước sạch, đảm bảo chúng được thực hiện đúng quy định và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thông qua các hoạt động tuyên truyền và giám sát này, tỉnh Sóc Trăng đảm bảo rằng các chính sách và dự án cấp nước sinh hoạt không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn có tính bền vững trong dài hạn, cải thiện chất lượng sống cho đồng bào DTTS.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng về kết quả thực hiện và giải ngân Chương trình, tổng nguồn vốn giao năm 2024 và vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là hơn 528.480 triệu đồng (ngân sách Trung ương 473.966 triệu đồng, ngân sách địa phương 54.514 triệu đồng). Tính đến ngày 31/5/2024, tỉnh đã giải ngân 97.281/528.480 triệu đồng, đạt tỷ lệ 18,41%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 86 hộ; đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng tuyến ống mạng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung. Cũng theo báo cáo, tỷ lệ hộ dân nông thôn nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,75%, trong đó, sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 62,8%.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực trong giai đoạn 2022 - 2024. Tổng nguồn vốn triển khai trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.030,878 tỷ đồng, với mục tiêu cải thiện điều kiện sống cho các hộ đồng bào DTTS, đặc biệt trong việc cung cấp nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh.

Cũng theo báo cáo, tính tới nay, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ dân, đồng thời xây dựng 4 công trình cấp nước tập trung, mang lại lợi ích thiết thực cho 1.536 hộ gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Tại huyện Châu Thành, trong năm 2023, đã có 78 hộ dân được hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán, giúp đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Huyện Long Phú cũng đã triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo, góp phần khắc phục khó khăn do tình trạng thiếu nước sạch tại địa phương.

Xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, nơi có đến 70% dân số là người dân tộc Khmer, đã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ nước sạch thông qua Chương trình.

Huyện Kế Sách, trong giai đoạn 2022 - 2024, cũng đã hỗ trợ bồn chứa nước cho 982 hộ dân, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân tại các khu vực khó khăn. Thị xã Vĩnh Châu đã triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 503 hộ, với tổng số tiền là 1.206 triệu đồng.

Đặc biệt, tại huyện Mỹ Tú, theo báo cáo tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Mỹ Tú lần thứ IV năm 2024, Chương trình đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 64 hộ gia đình, đảm bảo rằng 90% đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024 cũng đề ra mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2024 - 2029. Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2029 sẽ có 77,5% đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng đồng bào DTTS và các khu vực phát triển khác trong tỉnh.

Dù tỉnh Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhưng vẫn gặp phải một số hạn chế và khó khăn. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sạch, trong khi cơ sở hạ tầng và kỹ thuật chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thêm vào đó, một số hộ dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nước sạch và việc bảo vệ môi trường, gây cản trở cho việc triển khai chương trình.

Để khắc phục các vấn đề còn tồn tại, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã xác định rõ phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ban đã tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình và dự án liên quan đến công tác dân tộc, đặc biệt là Dự án 1 thuộc Chương trình. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện nghiêm túc các kết luận và nghị quyết quan trọng như Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ, cùng các chỉ thị và nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác dân tộc. Những chỉ đạo này đã đặt nền móng quan trọng cho việc đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt an toàn cho đồng bào DTTS, thông qua việc triển khai đúng quy trình, giám sát chặt chẽ, và điều chỉnh chính sách phù hợp khi cần thiết.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/soc-trang-mang-nuoc-sach-den-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-58768.html
Zalo