Sóc Trăng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trước khi tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đến 2 điểm của nghĩa trang liệt sĩ tỉnh này để dâng hương.
Sáng 29/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Dự lễ có hai Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là ông Lâm Văn Mẫn (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng), ông Đỗ Thanh (Bí thư Thành ủy Cần Thơ) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào.
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc qua phim tài liệu “Sóc Trăng - Hành trình vươn lên sau 50 năm giải phóng”. Thước phim tái hiện sinh động cuộc kháng chiến của quân, dân ta trong cuộc tiến công thần tốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và tiếp đó là bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Sóc Trăng từ sau ngày giải phóng, đặc biệt là trong giai đoạn 33 năm kể từ khi tái lập tỉnh.
Sóc Trăng đạt nhiều thành tựu quan trọng sau 33 năm tái lập tỉnh
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nói rằng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và sau tái lập tỉnh từ năm 1992 đến nay, với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được thành tựu rất đáng phấn khởi, tự hào.
Thời điểm mới tái lập, Sóc Trăng là một tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 45 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,3 triệu đồng/năm. Nền kinh tế thuần nông, chủ yếu là sản xuất một vụ lúa, với 2/3 diện tích bị nhiễm phèn và xâm nhập mặn, tổng sản lượng lúa chỉ khoảng 800.000 tấn. Các ngành kinh tế khác chiếm tỷ trọng rất thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội rất yếu kém. Toàn tỉnh lúc đó có trên 2/3 số phòng học là tre lá và học 3 ca/ngày.


Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tặng quà và trao bảng tượng trưng hỗ trợ nhà ở cho 12 hộ gia đình người có công.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, khẩn trương xây dựng và triển khai quyết liệt các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực ưu tiên sản xuất nông nghiệp để giải quyết tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.
Trải qua 33 năm, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Về kinh tế, tỉnh Sóc Trăng liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,07%, đạt mức tăng trưởng khá cao trong các nhiệm kỳ qua giai đoạn 2011 - 2015, 2026 - 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 1993 - 2024 đạt trên 8,56%. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2024 đạt 80.147 tỷ đồng, tăng 53,3 lần và GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 66,5 triệu đồng, tăng 35 lần so với năm 1992.
Thời gian qua, nuôi trồng, khai thác, chế biến trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Sản lượng lúa năm 2024 đạt trên 2 triệu tấn, tăng 2,6 lần; tổng sản lượng thủy sản đạt 398.275 tấn, tăng 14,6 lần. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt 910 triệu USD, tăng 192,4 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt 29.870 tỷ đồng, tăng gần 62,5 lần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2024 đạt 106.050 tỷ đồng, tăng 123 lần so với năm 1992.
Hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư tại Sóc Trăng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh được triển khai thực hiện, tạo không gian phát triển mới, như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60… Các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hệ thống đô thị tăng về số lượng và chất lượng.
Hệ thống hạ tầng nông thôn cũng được Sóc Trăng quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh có 75/80 xã nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết), 29 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân năm 2024 là 1% (trong đó, hộ nghèo Khmer là 2%).


Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và bà Hồ Thị Cẩm Đào, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng trao quà cho cán bộ lão thành, Mẹ Việt Nam Anh hùng tại buổi lễ.
Theo ông Lâm Văn Mẫn, mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang tại Sóc Trăng. Hiện, toàn tỉnh này có số trường học tăng gấp 2 lần so với năm 1992, với hơn 85% trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 100%.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng và tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội luôn được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, hưởng ứng Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh đã huy động các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành xây dựng hoàn thành 8.673 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng chính sách trước 30/6/2025.
“Đạt được những thành quả trên, là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương. Cùng với đó là sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, đúng đắn, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền; trong đó, vừa xem trọng tính toàn diện, nhưng tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.
Thế "kiềng 3 chân" của Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, năm 2025 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ đại hội đảng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng; đặc biệt là cả nước đã và đang triển khai khẩn trương, quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài, là một cuộc cách mạng. Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian phát triển mới, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển cho các đơn vị hành chính mới. Trong đó, Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng được Trung ương xác định là trở thành thành phố mới có thế “Kiềng ba chân” vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và giàu có.
Trước khi kết thúc lễ kỷ niệm, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã trao quà cho nhiều cán bộ lão thành, Mẹ Việt Nam Anh hùng và trao bảng tượng trưng hỗ trợ nhà ở cho 12 hộ gia đình người có công.
