Sóc Trăng khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, bởi nơi đây có nhiều lễ hội đặc sắc và là nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, tạo nét văn hóa mang đậm màu sắc riêng, như: công trình kiến trúc, văn nghệ, thể thao, ẩm thực... Do đó, tỉnh đã khai thác du lịch đi đôi với bảo tồn, giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa một cách khoa học.

Tiềm năng sẵn có

Sóc Trăng là tỉnh có những nét văn hóa đặc sắc mang tính đặc trưng, giao thoa giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; đồng thời, có nhiều lễ hội, công trình kiến trúc độc đáo và những cù lao trù phú với những vườn cây ăn trái cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Sóc Trăng còn là điểm đến thật sự lôi cuốn du khách bởi đây là vùng đất của những ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như chùa: Mahatup (chùa Dơi), Kh’leang, Bô Tum Vong Sa Som Rong, Đất Sét, Peam Buôl Thmây (thành phố Sóc Trăng), Sà Lôn (chùa Chén Kiểu, huyện Mỹ Xuyên)… Đây là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong đó, có những ngôi chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh. Người Khmer Sóc Trăng có truyền thống văn hóa từ lâu đời với phong tục tập quán, các điệu múa dân gian, kiến trúc chùa, nghề truyền thống… Nét văn hóa đa dạng này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm thực tế nhân các dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer.

Chùa Bô Tum Vong Sa Som Rong, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: THẠCH PÍCH

Chùa Bô Tum Vong Sa Som Rong, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: THẠCH PÍCH

Tiến sĩ Phan Huỳnh Anh - Ủy viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam cho rằng: “Để phát triển và thu hút du lịch văn hóa của tỉnh Sóc Trăng cần các biện pháp bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc địa phương, như bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân tộc đặc trưng của người Khmer. Việc này có thể bao gồm việc bảo tồn các di tích, trang phục, nghệ thuật truyền thống và tổ chức các sự kiện văn hóa như lễ hội truyền thống. Đồng thời, phát triển các tour du lịch văn hóa, thiết kế các tour du lịch văn hóa chất lượng cao, cho phép du khách trải nghiệm sâu sắc về văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của người dân địa phương. Các tour này có thể bao gồm việc thăm các điểm chùa, làng nghề truyền thống và tham gia vào các lễ hội truyền thống”.

Vào dịp lễ hội, ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi thực hiện các nghi lễ theo phong tục tập quán của đồng bào phật tử mà còn là địa điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi của cộng đồng. Ngôi chùa cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện đậm nét phong cách kiến trúc truyền thống và sự kế thừa sáng tạo của cộng đồng người Khmer Nam Bộ qua nhiều thế hệ. Hiện Sóc Trăng có 93 ngôi chùa Khmer, đây là một lợi thế, tiềm năng khai thác du lịch văn hóa tâm linh rất lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn được xem là vùng đất của các lễ hội truyền thống đặc trưng, thu hút khách khắp nơi về tham gia. Nổi bật như, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, Thắk Kôn (cúng Dừa), Nghinh Ông, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôn Ta, lễ dâng y Kathina, Lễ hội Chrôy Rum Chếk (cúng Phước Biển Vĩnh Châu), Lễ cúng Bà Thiên Hậu… được tổ chức quanh năm ở các địa phương trong tỉnh.

Nỗ lực khai thác điểm đến

Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 28/2/2022 thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển 10 sản phẩm chủ lực để triển khai đạt hiệu quả, cần xác định rõ và đề ra những mô hình thí điểm, tỉnh sẽ đầu tư khai thác tại 4 điểm chùa: Mahatup, Sro Lôn, Bô Tum Vong Sa Som Rong, chùa Prés Buône Prés Phék (chùa Bốn Mặt).

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống được tổ chức hằng năm và thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham dự. Ảnh: THẠCH PÍCH

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống được tổ chức hằng năm và thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham dự. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Đây là những ngôi chùa tiêu biểu có sức hút lớn đối với du khách thập phương. Các điểm chùa vừa là di tích lịch sử - văn hóa, vừa là điểm du lịch đang được đầu tư khai thác các dịch vụ du lịch. Mặt khác, vị trí các điểm chùa khá thuận lợi, dễ dàng kết nối tuyến tour du lịch với các điểm đến khác, cơ bản đã có nguồn tiềm năng sẵn có, ban quản trị các điểm chùa có kế hoạch xây dựng hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Đây là các điểm chùa đang triển khai kêu gọi đầu tư của dự án phát triển du lịch văn hóa tâm linh và Dự án khu văn hóa Giếng Tiên, huyện Châu Thành. Hiện nay, ngoài 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh, Sóc Trăng còn có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và quốc gia”.

Việc khai thác những tiềm năng và thế mạnh sẵn có từ bản sắc văn hóa đặc trưng của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, thời gian tới, Sóc Trăng phát triển 10 sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch văn hóa tâm linh (thành phố Sóc Trăng); du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực (thành phố Sóc Trăng); khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành); du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung và Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu); điểm du lịch Tân Huê Viên; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy (huyện Mỹ Tú); du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó (huyện Trần Đề).

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202410/soc-trang-khai-thac-tiem-nang-phat-trien-du-lich-2ee13db/
Zalo