Sóc Trăng có 263 sản phẩm đạt các hạng sao OCOP
Ngày 10/1, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh (thành phố Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kể triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 263 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao và 236 sản phẩm 3 sao của 150 chủ thể. Sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, số lượng hợp đồng liên kết tiêu thụ tăng thêm so với trước khi đạt chứng nhận. Cùng với đó, các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để hỗ trợ cho các chủ thể OCOP có sản phẩm đạt sao OCOP, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ tư vấn, thiết kế 20.500 cái bao bì sản phẩm, nhằm nâng giá trị sản phẩm; hỗ trợ máy móc trang thiết bị ứng dụng vào sản xuất sản phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức về môi trường, chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, bảo hộ nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm; đưa các sản phẩm OCOP đi trưng bày, giới thiệu, quảng bá… tại các cuộc hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Triển khai 6 điểm trưng bày, bán hàng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh…
Năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục củng cố và nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển sản phẩm của các hợp tác xã, phấn đấu có 24% chủ thể OCOP là hợp tác xã; có 14% chủ thể OCOP là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích hỗ trợ một số chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị, theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể OCOP là nữ, phấn đấu có 15% chủ thể OCOP là đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì 50% - 60% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…
Dịp này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao theo Quyết định số 3014/QĐ-UBND, ngày 27/11/2024 của UBND tỉnh cho 9 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm đánh giá lần đầu; 6 sản phẩm đánh giá lại; 2 sản phẩm đánh giá nâng hạng (yến ăn liền cao cấp; yến sào chưng sẵn vị đông trùng hạ thảo; yến sào chưng sẵn hương lá dứa; bánh pía sầu riêng trứng Hải Sơn; nấm rơm đóng hộp; dứa đóng hộp; bắp non đóng hộp; hạt sen đường phèn; yến sào Quốc Tín) của 3 chủ thể; trao Giấy chứng nhận ISO và HACCP cho 6 chủ thể. Có 5 tập thể và 5 cá nhân được nhận giấy khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2023 - 2025.