Sóc Trăng: Chuyển đổi nghề nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Sóc Trăng, nơi hơn 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 30%, đang chứng kiến những thay đổi đáng kể trong đời sống, kinh tế - xã hội nhờ vào các nỗ lực trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề. Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình) đã và đang từng bước nâng cao đời sống đồng bào DTTS và miền núi.

Chuyển đổi nghề giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng thoát nghèo bền vững (Ảnh: Dân tộc và miền núi)

Chuyển đổi nghề giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng thoát nghèo bền vững (Ảnh: Dân tộc và miền núi)

Theo Báo cáo giai đoạn 2021 - 2024, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn lực của Chương trình, tỉnh đã lồng ghép đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS: 100% xã có đường ôtô đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%.

Về chuyển đổi nghề, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 4.607 hộ dân với 67 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Những hỗ trợ này đã giúp hàng trăm hộ gia đình cải thiện thu nhập và từng bước thoát khỏi nghèo đói thông qua việc cung cấp các phương tiện sản xuất. Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, ngân sách đã giao trên 63 tỷ đồng, nay đã giải ngân hơn 27 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tạo sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao…

Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều chính sách và chỉ đạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi nghề nghiệp và phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS. Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh đã áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS, với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện rà soát kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã, và các tổ chức có sử dụng lao động là người DTTS. Các đối tượng này được tạo điều kiện vay vốn theo quy định nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong năm 2024, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Nghị quyết số 118/NQ-HĐND vào ngày 07/12/2023, phân bổ tổng vốn 173.430 triệu đồng cho Chương trình. Trong đó, ngân sách trung ương cấp 154.053 triệu đồng và ngân sách địa phương cấp 19.377 triệu đồng. Đặc biệt, 9.160 triệu đồng được phân bổ riêng cho hỗ trợ chuyển đổi nghề, với các địa phương nhận vốn cụ thể như sau: thị xã Vĩnh Châu (2.280 triệu đồng), thị xã Ngã Năm (100 triệu đồng), huyện Thạnh Trị (1.240 triệu đồng), huyện Mỹ Xuyên (60 triệu đồng), huyện Châu Thành (300 triệu đồng), huyện Kế Sách (3.980 triệu đồng), huyện Trần Đề (1.190 triệu đồng), và huyện Cù Lao Dung (10 triệu đồng). Các nguồn vốn này được phân bổ dựa trên nhu cầu và điều kiện đặc thù của từng khu vực.

Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để nâng cao nhận thức về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc cũng tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, đảm bảo rằng các nguồn vốn và hỗ trợ được phân bổ và sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất trong việc cải thiện đời sống và phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS.

Từ khi thực hiện Chương trình, tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là các huyện Mỹ Xuyên và Châu Thành, đã tích cực hỗ trợ chuyển đổi nghề và cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi.

Từ đầu năm 2023, huyện Mỹ Xuyên đã tập trung hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ gia đình với tổng kinh phí 290 triệu đồng. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp các hộ dân tăng thu nhập mà còn mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp bền vững cho những hộ không có đất sản xuất. Huyện đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng đến những ngành nghề mới phù hợp hơn với điều kiện địa phương. Việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã giúp các hộ dân cải thiện hiệu quả kinh tế, gắn với việc bao tiêu sản phẩm đầu ra, đảm bảo sự phát triển ổn định.

Các mô hình liên kết sản xuất được mở rộng, trong đó nổi bật là mô hình tôm - lúa, giúp người dân tận dụng hiệu quả nguồn lực và đa dạng hóa sinh kế. Đặc biệt, tại xã Tham Đôn, từ nguồn vốn phân bổ, địa phương đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 7 hộ gia đình với số tiền 21 triệu đồng, góp phần thay đổi sinh kế và ổn định cuộc sống.

Tương tự, huyện Châu Thành, nơi có gần 50% dân số là người Khmer, cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực trong năm 2023. Tổng cộng 228 hộ DTTS đã nhận được các loại hình hỗ trợ như phương tiện sản xuất và các dụng cụ lao động khác. Các hộ dân ở xã Thuận Hòa và An Hiệp đã được hỗ trợ mua máy phun thuốc bảo vệ thực vật và các dụng cụ khác. Riêng tại xã Thuận Hòa, từ đầu năm đến nay, Chương trình đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 40 hộ; trong đó, 9 hộ được hỗ trợ mua máy phun thuốc và máy cắt cỏ. Tại xã Tuân Tức, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chính quyền địa phương đã chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ như chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nhà ở và đất ở, giúp bà con phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân đã hưởng lợi từ các khoản vay ưu đãi và mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi bò.

Thị xã Ngã Năm với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 7,6% tổng dân số, đã đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi nghề. Thị xã đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 77 hộ dân, với tổng kinh phí 667,663 triệu đồng. Các khoản hỗ trợ này đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của các hộ dân. Điển hình là một số hộ gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để mua xe máy, từ đó cải thiện khả năng vận chuyển hàng hóa và tăng thu nhập từ việc buôn bán trái cây. Một số hộ dân đã đầu tư vào chăn nuôi heo, vịt xiêm cho năng suất cao, đảm bảo thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng từ việc bán heo và lợi nhuận gần 10 triệu đồng sau 3 tháng nuôi vịt.

Bên cạnh đó, thị xã Ngã Năm đã chú trọng phát triển mô hình đan lục bình như một giải pháp sinh kế hiệu quả cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Các cấp chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ mở các lớp dạy nghề, cung cấp nguyên liệu và tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã, giúp người dân tăng thêm thu nhập bên cạnh nghề trồng lúa truyền thống.

Nhờ sự quan tâm và đầu tư của chính quyền, các hợp tác xã đan lục bình tại Ngã Năm đã thu hút hàng trăm lao động địa phương tham gia. Điển hình là Hợp tác xã Đan đát lục bình Hương Liên và Hợp tác xã MCF, nơi không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn giải quyết bài toán việc làm tại chỗ, hạn chế tình trạng người lao động phải đi xa. Ngoài việc đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, các hợp tác xã còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tay nghề cho lao động, từ đó giúp họ có thể tự phát triển kinh tế gia đình.

Tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền, giúp nông dân khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại những thay đổi tích cực, giúp gia tăng năng suất và nâng cao giá trị sản phẩm. Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai rộng rãi, từ việc trồng lúa, dừa, đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/soc-trang-chuyen-doi-nghe-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-58545.html
Zalo