Số vụ xâm hại trẻ em bị khởi tố lần đầu tiên giảm sau 4 năm
Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện quyền trẻ em năm 2024, trong đó nhận định công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực.
Đáng chú ý, Chính phủ cho hay năm 2024, toàn quốc khởi tố 2.361 vụ/2.931 đối tượng, xâm hại 2.505 trẻ em, giảm 137 vụ (tương ứng 5,5%) so với năm 2023. Con số này lần đầu tiên được giảm sau 4 năm, từ 2020 đến 2023.
Báo cáo cũng nêu nhiều con số khác, như xâm hại tình dục trẻ em xảy ra 1.927 vụ/ 2.106 đối tượng, xâm hại 1.960 trẻ em (chiếm 81,6%); lực lượng chức năng đã khởi tố 1.875 vụ/2.165 bị can, xử lý hành chính 70 vụ/170 đối tượng.
Số vụ bạo lực học đường, số học sinh liên quan đến bạo lực học đường năm học 2023-2024 xảy ra 466 vụ, liên quan đến 1.453 học sinh (trong đó có 509 học sinh nữ), con số này đã giảm so với năm học 2022-2023…

Số vụ xâm hại trẻ em bị khởi tố lần đầu tiên giảm sau 4 năm. Ảnh chỉ tính minh họa, không liên quan nội dung bài.
Năm 2024 cũng là năm "về đích sớm" ở mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em). Theo báo cáo của Tổng cục thống kê công bố, năm 2024 có 269.604 em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 1,31% tổng số trẻ em 5-17 tuổi. Con số này thấp hơn so với tỷ lệ lao động trẻ em ở thế giới vào năm 2020 là 8,69%, vượt chỉ tiêu đã đặt ra tại Quyết định số 728/QĐ-TTg.
Theo đánh giá của Chính phủ, xâm hại trẻ em đã có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn xảy ra một số vụ nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội; việc lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi vẫn ở mức cao; một số vụ phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Một số vụ việc do nhóm thanh, thiếu niên thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội tụ tập lôi kéo, rủ rê tham gia tổ chức đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, vũ khí nóng có nhiều đối tượng tham gia.
Đánh giá chung, báo cáo nêu rõ năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trách nhiệm được Luật Trẻ em quy định; chủ động, nỗ lực thực hiện công tác trẻ em, lồng ghép với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý và phối hợp triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Công tác chỉ đạo, điều phối của Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, chia sẻ thông tin, số liệu về trẻ em được tăng cường, có sự chuyển biến, đồng bộ hơn. Lực lượng công an các cấp chủ động nắm tình hình, công tác phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý tội phạm đạt tỷ lệ cao.
Các cơ quan thông tin, truyền thông, mạng xã hội ngày càng quan tâm đến quyền trẻ em và các vấn đề trẻ em. Nhiều vụ việc vi phạm quyền trẻ em được phát hiện, đưa tin, thông báo đến các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý kịp thời.
Phần hạn chế và nguyên nhân, Chính phủ cho rằng việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phòng xử án tại một số TAND địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu làm hạn chế phần nào mục đích mong muốn trong giải quyết loại án đặc thù này.
Cạnh đó, nhiều bị hại vì những lí do khác nhau không tham gia tố tụng tại phiên tòa gây khó khăn cho công tác xét xử và bồi thường thiệt hại. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho trẻ em và cha mẹ trẻ em còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, ảnh hưởng tới hiệu quả quá trình giải quyết vụ án.
Một số tỉnh chưa quan tâm bố trí nguồn lực theo thẩm quyền được Luật Trẻ em quy định, bao gồm nhân lực và ngân sách phù hợp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em.